Đệ có người bạn Mỹ, MB, mà Đệ thường hay trò chuyện trong các buổi ăn trưa. MB không còn làm chung hãng với Đệ nữa nhưng vì thuận tiện cho cả hai nên vẫn hẹn nhau đi ăn trưa trong thành phố khi có dịp. Ôi, vừa ăn trưa vừa bàn... đủ thứ chuyện. Câu chuyện thì luôn là rôm rả, hào hứng, có lẽ là vì BB của Đệ và sếp lớn của MB không có mặt :-).
Khi bàn về một ý kiến gì thì Đệ thường nói: "In my opinion, ..." (Theo ý kiến của tôi thì...). Sau một thời gian khi đã thân thì MB mới hỏi là tại sao Đệ cứ phải nói mở đầu như vậy. Người nghe luôn biết là khi người nói phát biểu thì ý kiến đó là quan điểm của người nói rồi; sao cứ phải lập lại và nhấn mạnh là "in my opinion...".
Đệ mới đáp lại là: "Bạn tôi ơi, tôi lập đi lập lại câu giáo đầu đó là cho tôi nghe; chứ không phải cho bạn, đâu". Lúc nào Đệ cũng muốn nhắc nhở chính mình là mình đang phát biểu cái quan điểm của mình (với tâm tư, tình cảm, và hiểu biết của mình). Cái hay là nếu người nghe có phản bác, có bác bỏ cái ý kiến/quan điểm mình vừa nói thì mình cũng không buồn (hoặc buồn phiền) vì mình đã được mình nhắc nhở trước rồi.
Biết là ý kiến là của mình thì xin Bê đi thêm một bước (nhỏ xíu) nữa là nhận thức rằng mình có thể sai. Bê ơi, từ thế kỳ 17, Alexander Pope đã nói một câu... "không sai": 'To err is human; to forgive, divine' (phụ chú D). Nhà thơ này không thẩn tí nào nên mới nói một câu... để đời như vậy: làm người thì phải sai thôi; không có ngoại lệ!
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài này xin tập trung vào hai bài diễn thuyết trong TED talks: (phụ chú B và C)
Why You Think You're Right — even if You're Wrong
(Sao bạn nghĩ là bạn đúng -- trong khi bạn sai lặc lè ra đó)Vài điểm nhấn của bài thuyết trình:
- Hai lối tư duy (mindsets, état d'esprit) trong trận chiến: suy nghỉ hành xử như lính chiến đấu (soldier mindset) và suy nghĩ quan sát như lính tiền thám (scout mindset).
- Dẫn chứng của tác giả là trường hợp hàm oan của Alfred Dreyfus. Phe buộc tội Dreyfus đã có soldier mindset: tất cả bằng chứng hỗ trợ cho việc buộc tội đã được khai thác và tận dụng (đến nỗi họ thành thật tin là Dreyfus có tội) để đi đến kết luận là Dreyfus là gián điệp cho Đức. Hành động của họ về sau được giới khoa học phân định là "motivated reasoning" (lý luận với mục đích đạt kết luận mong muốn).
- Phải mất khoảng 10 năm để Đại tá Picquart gỡ bản án chung thân cho Dreyfus. Picquart đã đặt mình vào vị thế của người tiền thám (scout mindset) để mong muốn tìm ra chân sự việc. Mặc dầu là Picquart có biểu hiện chống Do Thái (anti-Semitic), ông ta đã không để lập trường chống Do Thái làm sai lệch chuyện đi tìm sự thật để giải oan cho Dreyfus.
- Sự khác biệt của phe buộc tội Dreyfuss và Picquart là ở chỗ cảm tính lấn át lý trí (nhưng cảm tính khôn ngoan làm cho chủ của nó tưởng là chủ nó lý giải đúng "chóc" vấn đề). Sự sợ hãi là mình sai làm mờ lý trí phe buộc tội (1). Phe muốn tìm sự thật vượt thắng được nỗi lo sợ thất bại hoặc cảm giác "ngu ngốc" nếu kết luận của họ về sau được kiểm chứng là sai.
- Tác giả dẫn lời nói của Saint-Exupéry: "If you want to build a ship, don't drum up your men to collect wood and give orders and distribute the work. Instead, teach them to yearn for the vast and endless sea." mà từ đó đặt câu hỏi cho chúng ta: "Các bạn muốn bảo vệ sự tin tưởng (định kiến) của mình hay là muốn mình nhìn thế giới này thật rõ ràng chân thật?"
- Phiếm: Cả hai mindsets đều cần cho sự thành công. Tuy nhiên hai lối tư duy này rất khác biệt trong những lãnh vực khác như lãnh đạo, chỉ huy, hoạch định, thương mại. Thật ra phân biệt làm hai lối tư duy là hơi phiếm diện (nhưng dễ hiểu). Bê nào muốn biết làm sao để tăng xác suất thành công thì đọc thêm phụ chú E về sáu chiếc nón màu trong đội (Six Thinking Hats) để thấy là những dự án thành công thì thành phần của đội quản trị (management team), với nhiều khuynh hướng tư duy khác nhau, là rất quan trọng.
On Being Wrong
(Là Sai/Thuộc Phía Sai/Cảm Nhận là Tôi Sai)- Tại sao ta cứ phải nghĩ là ta đúng? Theo tác giả thì vì cái cảm giác (khi thấy) là mình sai nó... thật không chịu nổi cho chúng ta. Từ bé, chúng ta đã được dậy dỗ uốn nắn trong môi trường ca tụng cái đúng: tự hào khi mình đúng, buồn/nhục khi mình sai. Mà xã hội thì rất rõ trong chuyện này: luôn luôn đúng thì nhất lớp. Có sai lầm mà nhất lớp mới là... lạ!
- Chúng ta không tiếp nhận được bất kỳ một tín hiệu nào cho biết là ta có thể sai. Tại sao vậy? Lại cũng là vì ta được dậy dỗ từ nhỏ là đúng mới tốt và ta luôn luôn đúng. Khi ta "bị" chứng minh là mình sai thì thường là ta thắc mắc: "something is not right (that I am wrong)".
- Khi mình bị xác nhận là sai thì đã quá trễ. Tác giả dẫn chứng trường hợp giải phẩu ở bệnh viện Beth Israel: ca mổ được tiến hành ở chân lành (thay vì chân đau). Phụ chú F là trường hợp tương tự xảy ra tại bệnh viện Việt Đức, Việt Nam. Bác sỹ mổ lại là Bác Sĩ Thầy (Giảng Viên) tại trường Y Khoa!
- Thường thì thấy, nghe, kinh nghiệm và hiểu biết của mình làm cho mình tin rằng phán đoán của mình trăm phần trăm đúng. Khi đó thì mình làm sao giải thích được là bao nhiêu người khác bảo là ta sai?
- Sự thần kỳ của đầu óc chúng ta không phải ở chỗ nó giúp chúng ta nhìn thế giới như là (see the world as it is) mà ở chỗ nó giúp mỗi người chúng ta nhìn thế giới này một khác theo từng người, từng hoàn cảnh, từng thời gian và có thể là từng xã hội. Mà cũng chính vì vậy mà chúng ta có thể sai.
- 1,200 năm trước khi Descartes nói: "Tôi tư duy nên tôi hiện hữu" (Je pense donc je suis; I think therefore I am) thì St. Augustine đã nhìn ra sự thật và viết: Fallor ergo sum (I err therefore I am; phụ chú G và theo Đệ thì St. Augustine đặt vấn đề đúng chỗ hơn dựa trên nhân bản phi duy lý). Lý do St. Augustine có cái nhìn này có lẽ là cái nhìn từ tôn giáo hoặc tâm linh nên nhìn ra là con người thì không toàn hảo (our capacity to screw up) nhưng quan trọng là cái nhìn này phản ánh sự thật.
- Là con người chúng ta luôn muốn biết rõ, biết thêm về thế giới bên ngoài (có nghĩa là chúng ta không ngừng thấy mình sai và muốn chỉnh sửa cái sai). Đây chính là nguồn năng lượng để sáng tạo và tiến bộ vì loài người phát triển theo một tiến trình gồm toàn những sai lầm, mà ta phải chỉnh sửa. Lịch sử đã phơi bầy là có những sai lầm cướp đi cả triệu sinh linh.
- "Phải tự thấy là lạ nếu mình luôn luôn đúng"
- "Sai là cơ hội; cơ hội để chỉnh sửa"
- "Dốt thì thường tính sai nhưng tính sai không hẳn là dốt"
- "Tự tin nhưng không chủ quan"
- "Lãnh đạo thì phải biết dừng khi chớm biết mình sai" (2)
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Sống trên 60 tuổi mà Bê chưa sai mới là lạ!
(1) Đệ xin đi xa hơn là cảm tính lấn át lý trí mà "phiếm" rằng: ngay cả bốn thứ mà Thiền gọi là thấy, nghe, kinh nghiệm, và hiểu biết cũng đã ảnh hưởng lớn vào óc tư duy đáng lý ra là phải không định kiến của mình.
(2) Trong các kế hoạch/phương án lớn (big projects) người quản trị luôn chú trọng tới những "checkpoints". Đây là lúc mà lãnh đạo, đúng đắn, có thể ra lệnh ngưng kế hoạch nếu thấy sự phát triển tiếp sẽ dẫn tới thất bại.
Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. TED talk - Why you think you're right — even if you're wrong << Phụ đề tiếng Việt nếu Bê cần.
C. TED talk - On Being Wrong
D. Alexander Pope - To Err is Human; to Forgive Divine
E. Edward de Bono, M.D. - Six Thinking Hats
F. Bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ nhầm chân phải
G. “Fallor ergo sum” – St. Augustine, 1200 years prior to Descartes
2 nhận xét:
(Đăng dùm NMTrang)
Đọc những bài, "Nếu Tôi Sai , 2016 Nhìn Lại 686, và Phẩm Giá " của anh TT Hòa làm tôi liên tưởng đến Thuyết Tương Đối của Albert Einstein (và Cơ Khí Học của Isaac Newton). Tư tưởng Sai/ Đúng về sự chọn lựa, nhu cầu cần thiết hay phẩm giá được đánh giá tùy thuộc vào không gian và thời gian. Hơn 100 năm sau thuyết tương đối (cũng như hơn 300 năm sau thuyết cơ khí học cổ điển) vẫn còn được sử dung để trả lời cho 3 bài viết của anh Trần Thủ Hòa, theo thiển y của tôi. Cám ơn anh Hòa đã cho tôi đọc được những bài viết hay, mở rộng tầm nhìn của tôi.
Mến,
NMtrang
Đọc bài này xong, thú thật, thấy mình toàn...sai. Sai toàn tập! Cho dù Err is human đấy, nhưng trong một tỉ lệ, một dung sai cho phép! Với tôi, bằng việc so sánh từ bước đầu cho đến kết thúc một sự việc, ghê quá, sai bét bè be!
Đăng nhận xét