Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

2016 Nhìn Lại 686

Thân chào các Bê*,
Nếu Bê có thể ngược thời gian trở về quá khứ thì xin đừng về lại những năm 680's, nhất là xin tránh xa đất nước Trung Hoa thời Hoàng Đế Võ Tắc Thiên. Thời gian đó có gì ghê gớm mà chúng ta không nên trở lại? Nói chuyện cũ là để suy ra chuyện ngày nay...

Dạ dạ Đệ xin vào đề...

Hôm nay chỉ xin nói đến một sự kiện dưới thời Võ Tắc Thiên (xem phụ chú C về cuộc đời VTT): đó là phương cách dùng hộp thư bảo mật (thơ rơi) để cai trị. Những ngày ấy là máu lửa kinh hoàng cho cả những tham quan và ác quan mà cũng là cơn ác mộng cho người bị hãm hại, bị hàm oan do kẻ ác vu cáo lợi dụng hộp thư rơi để mượn tay Võ Tắc Thiên mà triệt hạ kẻ thù của mình. Không ai biết là chính VTT đã xử dụng hộp thư rơi để giết hại bao nhiêu quần thần mà bà ta muốn trừ khử (xem phụ chú B). Đệ xin không viết chi tiết về cái giai đoạn này vì sử gia trong chính sử cũng như ngoại sử đã viết quá nhiều rồi. Ở đây chỉ xin nêu ra một giai thoại lý thú về "mời ngài vào trong chum' mà Bê muốn đọc thì vào phụ chú D.

Nói chuyện cũ là để suy ra chuyện ngày nay...
Báo mật là chuyện xưa; ngày nay có nơi vì dùng luật rừng (law of the jungle) lâu nay nên người dân đã quá khốn khổ vì tham quan và tham nhũng cũng như các tệ nạn xã hội khác. Luật lệ hiện hành không trị được quốc nạn nên có quan đầu tỉnh lập đường dây điện thoại nóng (hot-line; hotline) để mị dân. Đường dây nóng trở thành cách xả xúp bắp cho người dân gọi 24 trên 24 giờ để mà kể, để mà tố tham quan/tham nhũng cũng như để mà hiến kế cho các quan cách quản trị hành chánh thành phố.

Really? Từ khi nào mà các ban, các bộ phải nhờ thường dân bảo ban cách điều hành/thiết kế thành phố? Từ khi nào mà tài tử (amateur) giỏi hơn chuyên nghiệp (professional)?

  • Dạ, từ khi mà "hồng hơn chuyên" là kim chỉ nam cho giáo dục chuyên nghiệp.
  • Dạ, từ khi mà chạy bằng, chạy chức là điều tất yếu để thăng tiến cho sự nghiệp của mọi người trong xã hội. 
  • Dạ, từ khi mà chính quyền được xây dựng, không bằng trụ cột khoa học (science pilar), trụ cột an bang tế thế (nation building skills pilar), mà bằng trụ cột con ông cháu cha (nepoism; một người làm quan cả họ được nhờ), bằng cột trụ quen biết bè phái (cronyism; khi tất cả các bổ nhiệm là tính toán chính trị để trả nợ người cân nhắc mình bằng cách cất nhấc con cháu của người đó; ông gãi lưng tôi, tôi gải lưng...cả nhà ông).
  • Dạ, từ khi "dân ngu" không còn tin tưởng vào bất cứ nhân viên nhà nước nào, bất cứ Tiến Sĩ/Giáo Sư/Kỹ Sư nào, có bằng cấp thật hay giả bởi vì vàng thau lẫn lộn; bởi vì không còn phân biệt được ai đúng ai sai. 

Từ khi đó, đó Bê! Thật đáng buồn khi dân đã mất niềm tin! Người dân trở thành đám đông tự xoay sở mà tồn tại (one is on one's own to survive). Dần dần người dân "suy ra" là mình "khôn" hơn quan quyền! Đến khi đó thì... hết thuốc chữa, đến khi đó thì quả là muộn và tệ hại cho xã hội.
Thế sao quan đầu tỉnh lại được khá nhiều người ủng hộ? Dễ hiểu thôi: người dân đã mất niềm tin! Bất cứ cái gì mới thì cũng đáng thử và có thể là một lần nữa "ta lại trao duyên lầm tướng cướp".

  • Hotline ở các nước tiên tiến được xử dụng như một phương tiện khẩn cấp, thí dụ như cần phải gọi cứu thương hoặc cần sự can thiệp khẩn thiết để ngăn chặn tội ác khi tội ác đang hoặc sắp xảy ra. Hotline, hiểu theo nghĩa này, phải được điều hành bởi các nhân viên chuyên nghiệp đã được huấn luyện và phải tuân theo qui định/qui trình rõ ràng và minh bạch (transparency and by professionals). Điều quan trọng là người nhận đường dây nóng phải lập tức chỉ cho người gọi những điều cần làm; đồng thời điều phối cảnh sát hoặc nhân viên xã hội hành động kịp thời. Và họ phải dùng "handbook" khi làm việc với người gọi. Hotline, xứ mình, cả tháng không trả lời trả vốn thì đáng lý ra phải gọi là cold case (1); chứ hot cái gì?
  • Còn tham nhũng/hối lộ thì có cần "hotline" không? Có cần dân báo cho quan biết là quan nào cũng phải có thu nhập ngoài tiền lương, không? Cứ nhìn nhà xe, cứ nhìn cậu ấm cô chiều thì biết quan có tham nhũng không.  Bao nhiêu khiếu kiện chồng chất mà có ai giải quyết đâu! Bây giờ lại thêm hotline thì càng mất thì giờ chứ chẳng chơi!
  • Xin Bê đừng nhầm lẫn hotline với public hearing hay congress hearing. Hình thức điều trần (hearing) là để trả lời công khai trước dân chúng hay quốc hội. Và cũng xin đừng nhầm lẫn với cách lắng nghe tiếng nói người dân qua hình thức townhall meeting. 
  • Còn cách điều hành/quy hoạch đô thị thì thường dân giỏi hơn chuyên gia sao? Cứ giả thử là dân (vì sâu sát với thực tế) giỏi hơn quan đi: đây lại là vấn đề vì dân bầy trăm cách hay nhưng vì quan dốt thì biết chọn cách nào cho khoa học, cho nghiêm túc; hay lại là cơ hội cho gian thương bầy cách trục lợi mà làm khổ thêm cho người dân? Dĩ nhiên là gian thương sẽ "bôi trơn" những kế mà họ hiến.
  • Hotline không phải và không thể là giải pháp lâu dài cho những vấn nạn ở tầm mức thành phố hoặc quốc gia. Hotline làm sao có thể thế chỗ cho sự nghiêm túc của luật lệ? Hotline làm sao có thể thế chỗ cho sự tiên tiến của chân khoa học?  Cái nguy tiềm ẩn ở chỗ nếu hotline bị lợi dụng thì có khác gì cái phong trào báo mật của Võ Hậu??? 

Lãnh đạo giỏi sao lại cần Hotline? Từ khi nào mà từ "lãnh đạo" (leader; leadership) có nghĩa là hỏi dân, thay vì dẫn đường, thay vì tiên phong phong trào? Đệ phải công nhận là mình nhiều chuyện thật... Hỏi gì mà hỏi lắm vậy? (A, cái này lại cũng là một câu hỏi!)

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường ngồi thở dài sườn sượt không biết vì sao mà nên nỗi này!
(1) Cold case: những vụ án không tìm ra thủ phạm nên được đóng lại.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. DỊCH TRUNG THIÊN LUẬN ANH HÙNG -- VÕ TẮC THIÊN
C. Wikipedia -- Võ Tắc Thiên (có tiếng Việt)
D. LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM - MỜI NGÀI VÀO TRONG CHUM

Không có nhận xét nào: