Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Lon muối mè

                                          Nhớ Mẹ nhân ngày lễ Vulan sắp tới

Đang đứng xắp hàng trả tiền trong một siêu thị, chợt nhìn thấy tấm bảng 'đậu phọng on sale 99c/pound'. Lòng tôi trùng hẳn xuống, mắt tôi bỗng mờ đi và hơi cay cay... Biết diễn tả thế nào đây?? Chỉ biết là bỗng dưng tôi thấy nhớ Mẹ thật nhiều.
Mẹ tôi mất hơn 10 năm nay để lại trong lòng tôi rất nhiều tiếc nuối. Tiếc là tại sao mình không làm cái này cái nọ khi Mẹ còn....
Trở lại câu chuyện tại sao tôi gọi 'Lon muối mè' mà không gọi là hũ muối mè??? lọ muối mè??? Tại vì ngày xưa Mẹ tôi để muối mè ở trong lon sữa guigoz, và lon muối mè đã gắn liền với tuổi thơ của tôi ngay cả đến khi tôi học Đại học. Nhà tôi đông anh em, tổng cộng 8 người. Tôi nghĩ vì nhà đông con  nên bao giờ Mẹ cũng làm sẵn một lon muối mè để đó, hễ đứa nào đói bụng bất tử thì lấy cơm nguội muối mè ra ăn. Mà hình như tôi chính là đứa hay lục cơm nguội nhất nhà. Tôi không thể nào quên được hương vị thơm lừng, bùi bùi của bát cơm nguội muối mè ấy. 
Mẹ tôi rang đậu phụng trước, để nguội, giã nhỏ, sau đó là rang mè. Mè chín gần xong thì Mẹ tôi cho muối vào rang cho tới khi muối khô. Sau đó bắt đầu giã mè và muối, giai đoạn này thì mùi thơm của mè rang bắt đầu vang lừng khắp nhà. Tôi vẫn nhớ Me dặn là: giã đậu phụng lúc đậu đã nguội, còn mè thì giã lúc nóng. Mè chỉ thơm khi đã được giã dập ra. Sau đó Mẹ tôi bỏ đậu phụng đã giã nhỏ vào mè trộn đều, để nguội bỏ vào lon Guigoz. 
Như vậy trong lon muối mè có 3 thành phần: muối, mè,và đậu phụng. Tôi nghĩ là tùy theo kích thước, muối thường đọng ở dưới cùng còn đậu phụng hay nổi bên trên.
Mẹ tôi thường dặn là khi ăn thì phải lấy cái muỗng cafe cán dài trộn đều trước khi múc ra ăn. Nhưng mà anh chị em bọn tôi đứa nào cũng thích ăn đậu phụng hơn là muối với mè. Cách ăn của chúng tôi như sau: lắc lon muối mè nhè nhẹ, muối với mè sẽ đọng xuống dưới và đậu phụng sẽ nổi lên trên mặt. Sau đó nghiêng lon Guigoz đập nhè nhẹ vào thành bát cơm thế là bọn tôi sẽ có rất nhiều đậu phụng rơi vào bát cơm. Ăn kiểu này ngon không thể tả được, mà lại không bị mặn. Mẹ tôi mà thấy được thì thế nào cũng mắng là ' ăn hỗn '. Tôi nghĩ là Mẹ tôi biết những vì chiều con nên bà không nói gì. Thỉnh thoảng bà lại mua đậu phụng rang lên giã nhỏ thêm vào lon muối mè ( chỉ còn muối với mè). Tôi theo lon muối mè mà lớn dần, và vì có nhiều thứ quà ngon hơn nên tôi quên dần đi lon muối mè ngày xưa ấy.
 Cho đến ngày đất nước thay đổi tháng 4/75 thì lon muối mè lại xuất hiện trong mâm cơm gia đình. Lúc này tôi đang học đại học Dược năm thứ 3. Vì tôi đã lớn nên cách ăn uống cũng đàng hoàng hơn, tôi không lắc lon muối mè nữa mà lấy muỗng cafe cán dài múc cẩn thận. Đậu phụng hình như cũng là một thứ hiếm hoi ở giai đoạn 'ngăn sông cấm chợ ' này. Tôi nhớ lần đi thủy lợi ở nông trường PhạmVăn Hai Lê Minh Xuân, Mẹ tôi lại rang cho tôi một lon muối mè và một lon mắm ruốc mang theo ăn thêm. Một cách máy móc tôi nói với lũ bạn là: hey đừng có lắc nhé, phải lấy muỗng cafe múc ra ăn đàng hoàng.
Sau này khi tới Canada 12/1990 lon muối mè lại biến mất. Đồ ăn bên này có quá nhiều thứ để lựa chọn, khí hậu lại lạnh thành ra tôi thường nấu những món ăn có độ dinh dưỡng cao, cho nhiều năng lượng để chống lại những mùa đông khắc nghiệt và có sức để chạy theo xe buýt nữa chứ. Con tôi biết muối mè, nhưng tụi nó không thích ăn lắm đâu.Tụi nó thường cười và nói là ' Mẹ ăn như này thì sức đâu mà đi chơi??' Chúng nó biết tôi là người rất hoạt động, đi làm, đi học, đi chơi... tụ tập bạn bè không thiếu một thứ gì. Bạn bè, chị em tôi thường nói là ' tại sao chẳng bao giờ thấy mày ở nhà??'  
Cho đến bây giờ, con cái lập gia đình ra ở riêng hết rồi, nhà chỉ còn 2 vợ chồng già thì lọ muối mè lại xuất hiện. Không còn lon guigoz nữa, tôi chỉ có lọ muối mè thôi.  
Tôi bây giờ không có lắc LỌ muối mè nữa, tại vì đậu phụng bao giờ cũng nhiều hơn muối và mè rất nhiều.
Nhưng không bao giờ tôi thấy ngon miệng như những ngày xưa thân ái ấy nữa.

Vân Khanh
27/7/2016

Nếu Tôi Sai...

Thân chào các Bê (*),
Đệ có người bạn Mỹ, MB, mà Đệ thường hay trò chuyện trong các buổi ăn trưa. MB không còn làm chung hãng với Đệ nữa nhưng vì thuận tiện cho cả hai nên vẫn hẹn nhau đi ăn trưa trong thành phố khi có dịp. Ôi, vừa ăn trưa vừa bàn... đủ thứ chuyện. Câu chuyện thì luôn là rôm rả, hào hứng, có lẽ là vì BB của Đệ và sếp lớn của MB không có mặt :-).
Khi bàn về một ý kiến gì thì Đệ thường nói: "In my opinion, ..." (Theo ý kiến của tôi thì...). Sau một thời gian khi đã thân thì MB mới hỏi là tại sao Đệ cứ phải nói mở đầu như vậy. Người nghe luôn biết là khi người nói phát biểu thì ý kiến đó là quan điểm của người nói rồi; sao cứ phải lập lại và nhấn mạnh là "in my opinion...".
Đệ mới đáp lại là: "Bạn tôi ơi, tôi lập đi lập lại câu giáo đầu đó là cho tôi nghe; chứ không phải cho bạn, đâu". Lúc nào Đệ cũng muốn nhắc nhở chính mình là mình đang phát biểu cái quan điểm của mình (với tâm tư, tình cảm, và hiểu biết của mình). Cái hay là nếu người nghe có phản bác, có bác bỏ cái ý kiến/quan điểm mình vừa nói thì mình cũng không buồn (hoặc buồn phiền) vì mình đã được mình nhắc nhở trước rồi.
Biết là ý kiến là của mình thì xin Bê đi thêm một bước (nhỏ xíu) nữa là nhận thức rằng mình có thể sai. Bê ơi, từ thế kỳ 17, Alexander Pope đã nói một câu... "không sai": 'To err is human; to forgive, divine' (phụ chú D). Nhà thơ này không thẩn tí nào nên mới nói một câu... để đời như vậy: làm người thì phải sai thôi; không có ngoại lệ!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài này xin tập trung vào hai bài diễn thuyết trong TED talks: (phụ chú B và C)

Why You Think You're Right — even if You're Wrong 

(Sao bạn nghĩ là bạn đúng -- trong khi bạn sai lặc lè ra đó)

Vài điểm nhấn của bài thuyết trình:
  • Hai lối tư duy (mindsets, état d'esprit) trong trận chiến: suy nghỉ hành xử như lính chiến đấu (soldier mindset) và suy nghĩ quan sát như lính tiền thám (scout mindset).  
  • Dẫn chứng của tác giả là trường hợp hàm oan của Alfred Dreyfus. Phe buộc tội Dreyfus đã có soldier mindset: tất cả bằng chứng hỗ trợ cho việc buộc tội đã được khai thác và tận dụng (đến nỗi họ thành thật tin là Dreyfus có tội) để đi đến kết luận là Dreyfus là gián điệp cho Đức. Hành động của họ về sau được giới khoa học phân định là "motivated reasoning" (lý luận với mục đích đạt kết luận mong muốn).
  • Phải mất khoảng 10 năm để Đại tá Picquart gỡ bản án chung thân cho Dreyfus. Picquart đã đặt mình vào vị thế của người tiền thám (scout mindset) để mong muốn tìm ra chân sự việc. Mặc dầu là Picquart có biểu hiện chống Do Thái (anti-Semitic), ông ta đã không để lập trường chống Do Thái làm sai lệch chuyện đi tìm sự thật để giải oan cho Dreyfus.
  • Sự khác biệt của phe buộc tội Dreyfuss và Picquart là ở chỗ cảm tính lấn át lý trí (nhưng cảm tính khôn ngoan làm cho chủ của nó tưởng là chủ nó lý giải đúng "chóc" vấn đề). Sự sợ hãi là mình sai làm mờ lý trí phe buộc tội (1). Phe muốn tìm sự thật vượt thắng được nỗi lo sợ thất bại hoặc cảm giác "ngu ngốc" nếu kết luận của họ về sau được kiểm chứng là sai.
  • Tác giả dẫn lời nói của Saint-Exupéry:  "If you want to build a ship, don't drum up your men to collect wood and give orders and distribute the work. Instead, teach them to yearn for the vast and endless sea." mà từ đó đặt câu hỏi cho chúng ta: "Các bạn muốn bảo vệ sự tin tưởng (định kiến) của mình hay là muốn mình nhìn thế giới này thật rõ ràng chân thật?" 
  • Phiếm: Cả hai mindsets đều cần cho sự thành công. Tuy nhiên hai lối tư duy này rất khác biệt trong những lãnh vực khác như lãnh đạo, chỉ huy, hoạch định, thương mại. Thật ra phân biệt làm hai lối tư duy là hơi phiếm diện (nhưng dễ hiểu). Bê nào muốn biết làm sao để tăng xác suất thành công thì đọc thêm phụ chú E về sáu chiếc nón màu trong đội (Six Thinking Hats) để thấy là những dự án thành công thì thành phần của đội quản trị (management team), với nhiều khuynh hướng tư duy khác nhau, là rất quan trọng.

On Being Wrong

(Là Sai/Thuộc Phía Sai/Cảm Nhận là Tôi Sai)
  • Tại sao ta cứ phải nghĩ là ta đúng? Theo tác giả thì vì cái cảm giác (khi thấy) là mình sai nó... thật không chịu nổi cho chúng ta. Từ bé, chúng ta đã được dậy dỗ uốn nắn trong môi trường ca tụng cái đúng: tự hào khi mình đúng, buồn/nhục khi mình sai. Mà xã hội thì rất rõ trong chuyện này: luôn luôn đúng thì nhất lớp. Có sai lầm mà nhất lớp mới là... lạ! 
  • Chúng ta không tiếp nhận được bất kỳ một tín hiệu nào cho biết là ta có thể sai. Tại sao vậy? Lại cũng là vì ta được dậy dỗ từ nhỏ là đúng mới tốt và ta luôn luôn đúng. Khi ta "bị" chứng minh là mình sai thì thường là ta thắc mắc: "something is not right (that I am wrong)".
  • Khi mình bị xác nhận là sai thì đã quá trễ. Tác giả dẫn chứng trường hợp giải phẩu ở bệnh viện Beth Israel: ca mổ được tiến hành ở chân lành (thay vì chân đau). Phụ chú F là trường hợp tương tự xảy ra tại bệnh viện Việt Đức, Việt Nam. Bác sỹ mổ lại là Bác Sĩ Thầy (Giảng Viên) tại trường Y Khoa!
  • Thường thì thấy, nghe, kinh nghiệm và hiểu biết của mình làm cho mình tin rằng phán đoán của mình trăm phần trăm đúng. Khi đó thì mình làm sao giải thích được là bao nhiêu người khác bảo là ta sai?
  • Sự thần kỳ của đầu óc chúng ta không  phải ở chỗ nó giúp chúng ta nhìn thế giới như là (see the world as it is) mà ở chỗ nó giúp mỗi người chúng ta nhìn thế giới này một khác theo từng người, từng hoàn cảnh, từng thời gian và có thể là từng xã hội. Mà cũng chính vì vậy mà chúng ta có thể sai.
  • 1,200 năm trước khi Descartes nói: "Tôi tư duy nên tôi hiện hữu" (Je pense donc je suis; I think therefore I am) thì St. Augustine đã nhìn ra sự thật và viết: Fallor ergo sum (I err therefore I am; phụ chú G và theo Đệ thì St. Augustine đặt vấn đề đúng chỗ hơn dựa trên nhân bản phi duy lý). Lý do St. Augustine có cái nhìn này có lẽ là cái nhìn từ tôn giáo hoặc tâm linh nên nhìn ra là con người thì không toàn hảo (our capacity to screw up) nhưng quan trọng là cái nhìn này phản ánh sự thật.
  • Là con người chúng ta luôn muốn biết rõ, biết thêm về thế giới bên ngoài (có nghĩa là chúng ta không ngừng thấy mình sai và muốn chỉnh sửa cái sai). Đây chính là nguồn năng lượng để sáng tạo và tiến bộ vì loài người phát triển theo một tiến trình gồm toàn những sai lầm, mà ta phải chỉnh sửa. Lịch sử đã phơi bầy là có những sai lầm cướp đi cả triệu sinh linh.
Để kết bài này, Đệ xin "túm" lại là:
  • "Phải tự thấy là lạ nếu mình luôn luôn đúng"
  • "Sai là cơ hội; cơ hội để chỉnh sửa"
  • "Dốt thì thường tính sai nhưng tính sai không hẳn là dốt"
  • "Tự tin nhưng không chủ quan"
  • "Lãnh đạo thì phải biết dừng khi chớm biết mình sai" (2)
Bài này Đệ xin bảo đảm với Bê là Đệ viết hoàn toàn đúng!
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Sống trên 60 tuổi mà Bê chưa sai mới là lạ!
(1) Đệ xin đi xa hơn là cảm tính lấn át lý trí mà "phiếm" rằng: ngay cả bốn thứ mà Thiền gọi là thấy, nghe, kinh nghiệm,hiểu biết cũng đã ảnh hưởng lớn vào óc tư duy đáng lý ra là phải không định kiến của mình.
(2) Trong các kế hoạch/phương án lớn (big projects) người quản trị luôn chú trọng tới những "checkpoints". Đây là lúc mà lãnh đạo, đúng đắn, có thể ra lệnh ngưng kế hoạch nếu thấy sự phát triển tiếp sẽ dẫn tới thất bại.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. TED talk - Why you think you're right — even if you're wrong << Phụ đề tiếng Việt nếu Bê cần.
C. TED talk - On Being Wrong
D. Alexander Pope - To Err is Human; to Forgive Divine
E. Edward de Bono, M.D. - Six Thinking Hats
F. Bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ nhầm chân phải
G. “Fallor ergo sum” – St. Augustine, 1200 years prior to Descartes

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

2016 Nhìn Lại 686

Thân chào các Bê*,
Nếu Bê có thể ngược thời gian trở về quá khứ thì xin đừng về lại những năm 680's, nhất là xin tránh xa đất nước Trung Hoa thời Hoàng Đế Võ Tắc Thiên. Thời gian đó có gì ghê gớm mà chúng ta không nên trở lại? Nói chuyện cũ là để suy ra chuyện ngày nay...

Dạ dạ Đệ xin vào đề...

Hôm nay chỉ xin nói đến một sự kiện dưới thời Võ Tắc Thiên (xem phụ chú C về cuộc đời VTT): đó là phương cách dùng hộp thư bảo mật (thơ rơi) để cai trị. Những ngày ấy là máu lửa kinh hoàng cho cả những tham quan và ác quan mà cũng là cơn ác mộng cho người bị hãm hại, bị hàm oan do kẻ ác vu cáo lợi dụng hộp thư rơi để mượn tay Võ Tắc Thiên mà triệt hạ kẻ thù của mình. Không ai biết là chính VTT đã xử dụng hộp thư rơi để giết hại bao nhiêu quần thần mà bà ta muốn trừ khử (xem phụ chú B). Đệ xin không viết chi tiết về cái giai đoạn này vì sử gia trong chính sử cũng như ngoại sử đã viết quá nhiều rồi. Ở đây chỉ xin nêu ra một giai thoại lý thú về "mời ngài vào trong chum' mà Bê muốn đọc thì vào phụ chú D.

Nói chuyện cũ là để suy ra chuyện ngày nay...
Báo mật là chuyện xưa; ngày nay có nơi vì dùng luật rừng (law of the jungle) lâu nay nên người dân đã quá khốn khổ vì tham quan và tham nhũng cũng như các tệ nạn xã hội khác. Luật lệ hiện hành không trị được quốc nạn nên có quan đầu tỉnh lập đường dây điện thoại nóng (hot-line; hotline) để mị dân. Đường dây nóng trở thành cách xả xúp bắp cho người dân gọi 24 trên 24 giờ để mà kể, để mà tố tham quan/tham nhũng cũng như để mà hiến kế cho các quan cách quản trị hành chánh thành phố.

Really? Từ khi nào mà các ban, các bộ phải nhờ thường dân bảo ban cách điều hành/thiết kế thành phố? Từ khi nào mà tài tử (amateur) giỏi hơn chuyên nghiệp (professional)?

  • Dạ, từ khi mà "hồng hơn chuyên" là kim chỉ nam cho giáo dục chuyên nghiệp.
  • Dạ, từ khi mà chạy bằng, chạy chức là điều tất yếu để thăng tiến cho sự nghiệp của mọi người trong xã hội. 
  • Dạ, từ khi mà chính quyền được xây dựng, không bằng trụ cột khoa học (science pilar), trụ cột an bang tế thế (nation building skills pilar), mà bằng trụ cột con ông cháu cha (nepoism; một người làm quan cả họ được nhờ), bằng cột trụ quen biết bè phái (cronyism; khi tất cả các bổ nhiệm là tính toán chính trị để trả nợ người cân nhắc mình bằng cách cất nhấc con cháu của người đó; ông gãi lưng tôi, tôi gải lưng...cả nhà ông).
  • Dạ, từ khi "dân ngu" không còn tin tưởng vào bất cứ nhân viên nhà nước nào, bất cứ Tiến Sĩ/Giáo Sư/Kỹ Sư nào, có bằng cấp thật hay giả bởi vì vàng thau lẫn lộn; bởi vì không còn phân biệt được ai đúng ai sai. 

Từ khi đó, đó Bê! Thật đáng buồn khi dân đã mất niềm tin! Người dân trở thành đám đông tự xoay sở mà tồn tại (one is on one's own to survive). Dần dần người dân "suy ra" là mình "khôn" hơn quan quyền! Đến khi đó thì... hết thuốc chữa, đến khi đó thì quả là muộn và tệ hại cho xã hội.
Thế sao quan đầu tỉnh lại được khá nhiều người ủng hộ? Dễ hiểu thôi: người dân đã mất niềm tin! Bất cứ cái gì mới thì cũng đáng thử và có thể là một lần nữa "ta lại trao duyên lầm tướng cướp".

  • Hotline ở các nước tiên tiến được xử dụng như một phương tiện khẩn cấp, thí dụ như cần phải gọi cứu thương hoặc cần sự can thiệp khẩn thiết để ngăn chặn tội ác khi tội ác đang hoặc sắp xảy ra. Hotline, hiểu theo nghĩa này, phải được điều hành bởi các nhân viên chuyên nghiệp đã được huấn luyện và phải tuân theo qui định/qui trình rõ ràng và minh bạch (transparency and by professionals). Điều quan trọng là người nhận đường dây nóng phải lập tức chỉ cho người gọi những điều cần làm; đồng thời điều phối cảnh sát hoặc nhân viên xã hội hành động kịp thời. Và họ phải dùng "handbook" khi làm việc với người gọi. Hotline, xứ mình, cả tháng không trả lời trả vốn thì đáng lý ra phải gọi là cold case (1); chứ hot cái gì?
  • Còn tham nhũng/hối lộ thì có cần "hotline" không? Có cần dân báo cho quan biết là quan nào cũng phải có thu nhập ngoài tiền lương, không? Cứ nhìn nhà xe, cứ nhìn cậu ấm cô chiều thì biết quan có tham nhũng không.  Bao nhiêu khiếu kiện chồng chất mà có ai giải quyết đâu! Bây giờ lại thêm hotline thì càng mất thì giờ chứ chẳng chơi!
  • Xin Bê đừng nhầm lẫn hotline với public hearing hay congress hearing. Hình thức điều trần (hearing) là để trả lời công khai trước dân chúng hay quốc hội. Và cũng xin đừng nhầm lẫn với cách lắng nghe tiếng nói người dân qua hình thức townhall meeting. 
  • Còn cách điều hành/quy hoạch đô thị thì thường dân giỏi hơn chuyên gia sao? Cứ giả thử là dân (vì sâu sát với thực tế) giỏi hơn quan đi: đây lại là vấn đề vì dân bầy trăm cách hay nhưng vì quan dốt thì biết chọn cách nào cho khoa học, cho nghiêm túc; hay lại là cơ hội cho gian thương bầy cách trục lợi mà làm khổ thêm cho người dân? Dĩ nhiên là gian thương sẽ "bôi trơn" những kế mà họ hiến.
  • Hotline không phải và không thể là giải pháp lâu dài cho những vấn nạn ở tầm mức thành phố hoặc quốc gia. Hotline làm sao có thể thế chỗ cho sự nghiêm túc của luật lệ? Hotline làm sao có thể thế chỗ cho sự tiên tiến của chân khoa học?  Cái nguy tiềm ẩn ở chỗ nếu hotline bị lợi dụng thì có khác gì cái phong trào báo mật của Võ Hậu??? 

Lãnh đạo giỏi sao lại cần Hotline? Từ khi nào mà từ "lãnh đạo" (leader; leadership) có nghĩa là hỏi dân, thay vì dẫn đường, thay vì tiên phong phong trào? Đệ phải công nhận là mình nhiều chuyện thật... Hỏi gì mà hỏi lắm vậy? (A, cái này lại cũng là một câu hỏi!)

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường ngồi thở dài sườn sượt không biết vì sao mà nên nỗi này!
(1) Cold case: những vụ án không tìm ra thủ phạm nên được đóng lại.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. DỊCH TRUNG THIÊN LUẬN ANH HÙNG -- VÕ TẮC THIÊN
C. Wikipedia -- Võ Tắc Thiên (có tiếng Việt)
D. LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM - MỜI NGÀI VÀO TRONG CHUM

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Phẩm Giá - Không Thiếu Một Giây - Không Thừa Một Phút - Cập Nhật I


Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin đề cập tới một đề tài dù chưa cấp thiết với đa số chúng ta nhưng tầm quan trọng thì ngày một tăng cho những người trong tuổi Bê: quyền được ra đi trong phẩm giá (1). 
Đây là một đề tài "không thể nói nhăng được" nhưng nếu Đệ có lỡ lời thì cũng chỉ vì khả năng diễn đạt của mình... còn kém cỏi chứ đề tài này thì Bê vẫn phải lưu tâm tới.
Chuyện không còn là chuyện của các nước tiên tiến, rảnh rỗi, "phú quý sinh lễ nghĩa" nữa mà là chuyện của con người trong giai đoạn cuối đời. Chuyện cô giáo ở Long An, Việt Nam là một thí dụ cho thấy sự cấp thiết của vấn đề (phụ chú C).

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Y khoa, ngày nay, đã tiến triển với tốc độ siêu nhanh từ trong thế kỷ 20 và sẽ tiến nhanh hơn nữa trong thế kỷ 21. Đã hẳn đây là tin vui cho nhân loại; nhưng với một số người già thì vừa vui mà cũng vừa lo. Vui là y khoa sẽ cứu chữa được rất nhiều người trong tình trạng bệnh tật ngặt nghèo. Lo là vì biết kiến thức và khả năng của con người luôn còn giới hạn trong lãnh vực duy trì sự sống; đặc biệt là sự sống với phẩm chất/phẩm hạnh.

Sẽ ra sao nếu y khoa có thể kềm cái chết (để cái chết đến chậm hơn) nhưng chưa  bảo đảm được cái sống (cho ra sống)? Quá nhiều bệnh nhân được cứu sống nhưng sống đây chỉ có nghĩa duy nhất là còn thở. Nằm đó mà thoi thóp thở thì có khi ra đi là đỡ khổ cho cả người bệnh lẫn thân nhân.

Năm 2004, truyền hình Fox Network, tại Hoa Kỳ, bắt đầu phim truyền hình House, M.D. Và ngay strong hồi một, nhân vật chính, Bác Sĩ Gregory House đã nói một câu thật sâu sắc nhưng gây nhiều tranh luận sau đó: "Our bodies break down, sometimes when we're 90, sometimes before we're even born, but it always happens and there's never any dignity in it. I don't care if you can walk, see, wipe your own ass. It's always ugly. Always. You can live with dignity, we can't die with it." (phụ chú D). Cái chết nào với bệnh nan y, theo House, thì cũng luôn luôn là xấu xí, là mất phẩm giá, là sống không ra sống, là sống mà còn tệ hơn chết. Chắc hẳn là trong đời mình,  Bê đã chứng kiến những trường hợp như thế này và chúng ta "thường" là đồng ý với lời nhận định của nhân vật hư cấu này (vì người thật thì nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra). Bác Sỹ House đã nói lên sự thật đó và nhân loại sẽ phải làm sao?

Câu trả lời dường như cần hai phần: một mặt thì nỗ lực để đẩy lùi bệnh tật và một mặt phải công nhận giới hạn của thân xác này. Phần hai này kêu gọi chính quyền sở tại hãy nghĩ và hợp pháp hóa quyền được ra đi với phẩm giá

  • Tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ đã có luật "Death with Dignity Act" như để thỏa nguyện nhu cầu có thật này (phụ chú B). Và một số tiểu bang khác cũng đã có luật tương tự (phụ chú E). 
  • Canada thì cũng sắp ban hành luật Trợ Tử (phụ chú F). 
  • Hà Lan, Luxembourg, và Bỉ cũng có luật tương tự. 
Mỗi nơi có luật trợ tử thì chi tiết lại khác nhau nên bài này Đệ xin không bàn vào chi tiết và luật có thể thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, đa số các tiểu bang ở Hoa Kỳ vẫn còn luật cấm đoán người dân tự quyết định vận mạng của mình trong trường hợp không thể tự kết liễu đời mình (có nghĩa là muốn chết, cần chết nhưng cần sự trợ giúp của người nhà và của Bác Sỹ). Cấm có nghĩa là đặt người (hoặc bệnh viện) trợ tử cho bệnh nhân vào thế phạm pháp nếu ra tay giúp đỡ. Luật lệ này thường dựa vào lý do tôn giáo, văn hóa (và thậm chí hủ tục, dị đoan) nên thật khó khăn để đem ra bàn cãi một cách nhân bản và phi định kiến. 
Vấn đề trở thành rất phức tạp vì con người không phải lúc nào cũng thuần lý; vả lại, câu hỏi mà chẳng có câu trả lời chính xác để mọi người đồng thuận là: “mạng sống này do đâu mà có?
  • Nếu nói là Thượng Đế ban cho mạng sống thì đương nhiên là con người không thể tự kết liễu đời mình.
  • Nếu nói là mạng sống này là máu thịt, là xương do cha mẹ mang nặng đẻ đau mà ra thì đã hẳn là mình không tự quyết được rồi.
  • Nếu nói là cuộc đời tôi, tôi có toàn quyền thì sẽ không tránh được sự lên án của người đời (và cả pháp luật).
Chuyện dài về hoạt động cũng như chủ trương của Bác Sỹ Kevorkian về trợ tử, để con người ra đi trong với phẩm giá, cho thấy là vấn đề quá lớn để xã hội và cá nhân đồng thuận trong quá khứ, hiện tại, và có thể vẫn là tranh  cãi trong tương lai. 
Một trường hợp phức tạp và gây xôn xao tại Hoa Kỳ là chuyện của Elizabeth Bouvia. Đặc biệt là Bouvia về sau lại đổi ý! (phụ chú I).

Ý kiến của Đệ thì đã hẳn là thiên về việc hợp pháp hóa chuyện trợ tử nếu tất cả các phía đều đồng thuận để người bệnh chết trong danh dự và với phẩm hạnh. Tuy nhiên, có luật không có nghĩa là Bê phải luôn thực thi quyền trợ tử và luật cũng không cho phép thi hành trợ tử một cách bừa bãi đâu (2).

Riêng mình, thì Đệ chỉ xin: sống Không Thiếu Một Giây Nhưng Cũng Không Thừa Một Phút.

Như lời kết để đóng lại bài này, xin tặng Bê Một Cõi Đi Về. Nghe lại bài này để nhớ thời từ Dược Khoa chạy qua Nguyễn Bỉnh Khiêm uống cà phê, suy tư về một cõi đi về! Giờ thì nên lạc quan, thôi: đến lúc phải đi thì... vui vẻ mà đi!

Cập Nhật I: Nữ sĩ Quỳnh Dao dặn dò hậu sự

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,
Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Sống là đi nhưng thác là về, phải không Bê?
(1) Còn gọi bằng nhiều tên: "Chết với phẩm cách", "Chết trong phẩm giá", "Chết trong danh dự", "Chết nhân đạo", "Death with Dignity", vân vân... Nhưng dù luật trợ tử này có thay đổi tùy theo quốc gia, chung quy cũng là muốn hợp pháp hóa quyền yêu cầu Bác Sỹ và bệnh viện giúp đỡ để người bệnh được chết nhân đạo.
(2) Các phía phải đồng thuận:
  • Chính người bệnh để lại nguyện ước trong Living Will (phụ chú J),
  • Bệnh viện và hội đồng Bác Sỹ và thân nhân-trường hợp người bệnh không có Living Will

Phụ chú:
Ông Gúc Gồ (Google) dịch như thế này: "Cơ thể chúng ta phá vỡ, đôi khi chúng tôi 90, đôi khi trước khi chúng ta thậm chí sinh ra, nhưng nó luôn luôn xảy ra và không bao giờ có bất kỳ nhân phẩm trong đó. Tôi không quan tâm nếu bạn có thể đi bộ, xem, lau mông của bạn. Nó luôn luôn là xấu xí. Luôn luôn. Bạn có thể sống với nhân phẩm, chúng tôi không thể chết với nó." Dịch vậy là tạm được nhưng có lẽ thay vì chữ "phá vỡ" phải được thay bằng "hủy hoại" hoặc "phân hủy" và xin Bê đọc lại nguyên văn tiếng Mỹ.
I. 60 Minutes – Elizabeth Bouvia
J. Free Living Wills / Advance Care Directives  <<< Theo từng tiểu bang Hoa Kỳ. Bê phải tham khảo với Bác S/Luật Sư của mình chđừng cả tin vào cái mẫu trong mạng này. Đệ nêu ra đây cho Bê thấy như thí dụ mà thôi.  

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Lần Theo Tiếng Trémolo - Cập Nhật I

Thân chào các Bê (*),
Cả tuần nay cứ mải nghe tiếng Tây Ban Cầm (Spanish Guitar) nên đề tài hôm nay xin nói về tiếng và kỹ thuật trémolo trong cách đánh đàn guitar. Trước, xin nhắc lại: Đệ chỉ là "dân nghe" chứ không phải là "dân chơi" nên có nói điều gì không đúng trong bài này thì cũng không có gì mới, n'est ce pas?
Ngày xưa khi còn tập tành chơi bài Jeux Interdits (Romance), Đệ có tập trémolo và cứ đinh ninh là tiếp đầu ngữ (prefix) "tré" là ba; vì móc (ngón tay) ba lần trên dây số sáu của guitar. Định kiến này nằm trong đầu mình gần như từ khi bắt đầu hiểu biết cho tới gần đây khi có chút ít thì giờ lướt mạng. Té ra trémolo có thể là "rung" với giọng hát (hay giọng nói; tremelous) hoặc bằng nhạc cụ dây (string instruments) và trémolo không cứ là ba tiếng. Trong bài này xin chỉ giới hạn vào chủ đề trémolo bằng Tây Ban Cầm cổ điển; và hơn nữa xin giới hạn trong vòng hiểu biết hạn hẹp của mình (hiểu lầm chữ trémolo này bao nhiêu năm rồi, thì không có gì bảo đảm là mình đang đúng, isn't it?)
Bê nào muốn "đào tận gốc; truy tận ngọn" thì xin vào phụ chú F mà đọc thêm về định nghĩa của trémolo.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đơn giản nhất để nói về trémolo là tiếng đệm "tưng, tưng, tưng" bằng ba ngón tay (trỏ, giữa và áp út) của bàn tay phải (nếu bấm giây bằng tay trái). Vì là tiếng "rung" (hay tiếng "reo") nên theo thiển ý của Ngu Đệ (ở đây là chỉ người em khiêm nhường và văn vẻ... trong võ lâm "gió tanh mưa máu") thì phải có những yếu tố như sau:

  • Tiếng trémolo không được lớn hơn và át tiếng đàn chính (bật bằng ngón cái).
  • Tiếng trémolo phải đều và réo rắt. Khó chịu cho người nghe khi tiếng trémolo bị ngắt quảng không đúng chỗ. Thí dụ? Bê cứ vào mạng coi mấy cái videos mà các ông, các bà mới tập trémolo thì sẽ hiểu ngay là sự ngập ngừng, do não chưa khiển được các ngón tay (độc lập với nhau), làm người nghe bị chấn thương như thế nào. Tiếng đàn thật sự có thể đả thương người nghe. Tiếng đàn (khéo chơi) có thể đưa người nghe đến cảnh thái êm dịu và thư giản hoặc phấn kích; nhưng cũng có thể hại tim mạch người nghe, chứ chăng phải nói chơi! Chuyện này không phải là sự bịa đặt của các tác giả như Kim Dung đâu! Không tin, Bê thử ngồi vào xe hơi của mấy ngài nghe nhạc Rap với công suất tối đa và loa bass khủng thì biết (xem phụ chú G).
  • Tiếng trémolo phải nhặt khoan (nhanh/chậm) theo tiếng đàn chính mà không loạn. Đây cũng là chỗ phân biệt bậc thầy với kẻ vụng về.
  • Âm nhạc, nói chung, và trémolo, nói riêng, là để "tái diễn" (replicate) âm thanh của thiên nhiên (mặc dầu là con người thêm thắt ý niệm của mình vào thiên nhiên và mang vào âm nhạc đó một cái trật tự) nên âm thanh dù êm dịu, dù ồn ào, dù náo nhiệt thế nào đi chăng nữa thì âm nhạc đó, trémolo đó cũng phải thuận với thiên nhiên trong cái cảm nhận của người nghe.
Đệ xin rời bục giảng mà mời Bê nghe tiếng đàn của hai cầm thủ Tây Ban Cầm: Tatyana RyzhkovaAna Vidovic.
  • Trong video phụ chú C, Ryzhkova chỉ cách tập trémolo (phút 4:15 trở đi) mà Đệ thấy là thú vị cũng như nói lên sự khổ luyện của người chơi đán như thế nào. Ryzhkova trình diễn bài nào cũng hay và cái duyên dáng, cái "grace", cái "chic" của nàng thì khỏi phải nói; nhưng nếu chỉ nghe một bài của Ryzhkova thì Đệ đề nghị bài The Stream ở phụ chú D. Hừm, đã nghe Ryzhkova mà chỉ nghe một bài thì thật là thiếu xót, mời Bê nghe thêm bài nữa ở phụ chú H để biết tài năng của cầm thủ này. Bài Libertango này được trình tấu như một Quartet (ban nhạc bốn người) bởi chỉ một mình Ryzhkova. 
    Cập nhật I: Phải mất một năm Ryzhkova và đoàn hỗ trợ mới hoàn thành video Libertango. Theo Ryzhkova thì công phu như vậy là vì bốn vai trong video thì mỗi vai mang một cá tính khác nhau. Xin xem phần đầu của Ask Tatyana Episode 3 - Making a video, Scales, My Guitars.
  • Ana Vidovic - Có lẽ nàng trình tấu những bài nổi tiếng, mà Sư Tổ Segovia đã từng đánh, hay hơn mọi người kể cả Sư Tổ. Bài Asturias (còn được gọi là bài Leyenda) là mực thước để đo trình độ và tài nghệ của các bực thầy. Vidovic chơi Asturias, theo ý Ngu Đệ (lại Ngu Đệ!), là hay nhất. Xin mời Bê vào phụ chú B. 
 Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê sẽ nói: "Đã đến tuổi Bê mà còn khó tánh khi nghe nhạc!" Không phải là khó tánh đâu! Chỉ là hơi bị kỹ, một chút mà.


Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Ana Vidovic plays Asturias by Isaac Albéniz <<< Đệ xin thay mặt cái người "té" ho trong buổi trình diễn này mà xin lỗi người nghe. Thật không biết tại sao mà cứ phải ho hen như thế trong buổi trình tấu. Không biết "nó" có sống sót sau buổi trình tấu không hay là bị khán thính giả khác bóp cổ rồi. Đùa vậy thôi chứ để hôm nào rảnh Đệ sẽ dùng kỷ xảo vi tinh để xóa tiếng ho của tội nhân thiên cổ này trong audio.
C. Ask Tatyana Episode 2 Languages, Scales
D. A. Vlassenkov The Stream, performed by Tatyana Ryzhkova
E. Alex Vlassenkov plays 'The Stream' by A. Vlassenkov
F. Wikipedia - Trémolo
G. Bass Blows Model Girl's Hair Wild & Crazy <<< NHỚ VẶN NHỎ volume của máy trước khi vào đường dẫn.
H. Tatyana Ryzhkova presents Libertango by Tatyana's Guitar Quartet

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Cháo Sườn Của Tôi Đâu?

Thân chào các Bê (*),
Ngày còn bé, Mẹ của Đệ thường mua cháo sườn cho ăn vào buổi sáng khi bà cụ gánh gánh cháo sườn đi ngang nhà. Hương vị của bát cháo sườn thì đơn giản nhưng vì lý do gì đó mà nó cứ có mãi mãi trong tâm trí!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Cháo sườn gánh, ngày nào, có cái đặc trưng là nó rất đơn giản. Nhiều hôm chẳng thấy miếng sườn nào. Hôm nào hên thì một vài miếng sườn nhỏ xíu nhưng làm trẻ thơ như Đệ rất hào hứng. Bột gạo xay trong nước trước khi nấu (mà không khê) làm chén cháo rất "sánh". Bột gạo, "nước luộc sườn", hành, và tiêu là chính: đơn giản, mộc mạc mà sao lúc ăn không chán. Cái thèm thuồng lúc đó đủ để con nít mong ngày mai chóng đến để mà "được" ăn bát cháo sườn của ngày mai!

Cháo sườn của tôi đâu? 

Câu hỏi này đeo đuổi bao nhiêu thế hệ Việt Nam; nhất là người Việt xa xứ không còn cơ hội ăn lại bát cháo sườn gánh rong, ngày nào. Ở nước ngoài thì nhà có nấu cháo sườn thì chắc hẳn là ngon hơn, bổ hơn với vật liệu phong phú hơn. Cái này thì "không thể bàn cãi" vì thức ăn ở nước ngoài thì quá dễ mua, quá dễ nấu. 

Nhưng... "Cháo Sườn của Tôi đâu?" là một câu hỏi không nhắm vào món ăn nữa rồi!

     Hỏi, như một hành động, để tìm lại quá khứ.
     Hỏi, như một ước vọng, để mong tìm lại tuổi thơ.

Big Boss (BB) cứ bực mình và than với cô con gái là: "Bố mày thật là khó chiều! Làm món này thì đòi món kia. Làm món kia thì lại đòi món khác!" 

     Đòi là một động từ nhưng không phải là "asking" hay "demanding". 
     Đòi là tiếng kêu cứu (crying for help): "tuổi thơ tôi qua rồi!" 
     Đòi là câu nguyện ước (wishful thinking): "ước gì mình sống lại tuổi thơ".

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê phải bảo với con cháu là Bê cứ hỏi những câu như vậy nhưng Bê chưa có lẫn đâu! Mỗi khi chúng có mời ăn thì Bê cứ hỏi dùm Đệ: "Cháo sườn của tôi đâu?"

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Congee as Comfort Food
C. 6 Ways To Make Rice Porridge or Congee
Đường dẫn dưới đây là từ báo chí trong nước. Tùy Bê thích thì đọc.
D. Cháo sườn ấm lòng những ngày đông
E. Khai Tâm - Cháo sườn
F. Ấm bụng với cháo sườn thơm ngon

Đường dẫn dưới đây là cháo giải nhiệt. Khá lý thú để thử.
G.  Các món cháo giải nhiệt, trị ho
H. 7 món cháo mát giúp giải nhiệt lúc chớm hè