Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Quỹ 401(k) và Quyền Thừa Hưởng.

Thân chào các Bê*,
Trước hết thì phải đính chính cái sai của một bài cũ về 401(k). Trong bài Mười điều cần biết về tiền 401(k) - Cập Nhật Đệ có viết là sau 36 năm đầu tư số tiền $1,000 ở mức lời 6% sẽ trở thành $3,000. Điều này không đúng: số tiền đúng phải là 8 lần $1,000 = $8,000 chứ không phải chỉ $3,000. Sai lầm này Đệ xin ghi nhận và tính nó là một sai lầm trong năm 2014 (1). Hôm nay lại lăng nhăng viết về quỹ 401(k): nhưng chỉ bàn về chuyện ai sẽ được thừa hưởng tiền 401(k) khi chủ nhân của quỹ này qua đời. Chuyện đời đã rất phức tạp mà luật (đời) lại còn phức tạp hơn!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Đệ xin không bàn về vấn đề văn hóa cũng như đạo đức khi một người mất người bạn đời của mình và bây giờ muốn đi một bước nữa: nói rõ ra là lập hôn lần thứ hai. Đương nhiên là quyết định này rất cá nhân và người ngoài không thể cũng như không nên phê phán hoặc can thiệp vào. Đệ chỉ mong là nếu trường hợp này là của Bê thì xin Bê cân nhắc kỹ lưỡng và hành động sao cho hợp với ý muốn của mình để sau khi mình ra đi thì số tiền 401(k) sẽ vào tay những người mình muốn thừa hưởng.
Đệ cũng không rành về luật thừa hưởng 401(k) của người quá cố lắm cho tới cách đây mấy tuần có bà chị họ hỏi về chuyện này. Mới đầu thì Đệ cũng chỉ đưa ra ý kiến của mình dựa trên hiểu biết (nông cạn) và cách lý luận của mình. Ý kiến của Đệ được bà chị họ nghe răm rắp làm Đệ... phát hoảng! Nhỡ cái lý lẽ của Đệ sai thì sao? Oh my God! Thế là phải hỏi bạn, thế là phải tìm tài liệu...

Carolyn T. Geer của báo WSJ (The Wall Street Journal), năm 2011, có nêu ra trường hợp của Lenonard Kidder (xin xem phụ chú C). Ông đã ghi trong văn bản 401(k) của ông là bà vợ suốt 41 năm sẽ là người thừa kế số tiền 401(k) trong trường hợp ông qua đời trước bà vợ. Thật không may mắn cho gia đình này: bà vợ chết trước ông. Ông đã sửa giấy tờ là ba người con của ông bà sẽ là thừa kế tiền 401(k) của ông khi ông chết.
Nếu chỉ có thế thì không chuyện gì để nói! Không may cho ba người con của ông là ông bước một bước nữa và lấy người vợ mới và chuyện nó phải tới thì nó tới: sáu tuần sau đám cưới ông từ giã bà vợ mới để đi theo bà vợ trước--ông qua đời; đinh ninh là ba người con sẽ lãnh tiền 401(k) của ông.
Khi ba người con muốn hãng của ông đã làm, thanh toán tiền 401(k) thì hãng đó xin lệnh tòa án để biết phải giao tiền cho ai. Theo khế ước của quỹ 401(k) của hãng này thì khi nhân viên qua đời, người phối ngẫu được thừa hưởng (the employee's spouse has the right to the account assets). Trong trường hợp ông ghi trong giấy tờ là tiền phải giao cho các con ông; mà không có lời đồng thuận của vợ thì giấy tờ này không có giá trị pháp lý. Sự đồng thuận này phải viết và ký bởi người vợ mới (written consent). Bà vợ mới chưa bao giờ đồng thuận chuyện này. Tòa Liên Bang Hoa Kỳ tại Baton Rouge, Louisiana xử tiền 401(k)--khoảng $250,000--thuộc về người vợ mới. Không những ba người con ông chưng hửng mà ai nghe cũng thấy có cái gì không đúng ở đây. Luật là luật (law is law)! Cho tới khi luật được sửa đổi thì luật dù bất hợp lý vẫn phải áp dụng.
Thêm nữa, phụ chú B còn chỉ ra là nếu ông có khế ước tiền hôn nhân (prenutial agreement) với vợ mới trước khi cưới thì chuyện cũng không thay đổi: người vợ (mới) vẫn là người thừa kế 401(k) dù cho khế ước tiền hôn nhân có nói rõ là bà ta sẽ không dính gì đến 401(k) của ông.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường là hay lo cho tương lai của con cháu và muốn để lại chút gì cho con cháu như tiền 401(k). Nếu vì tình duyên đến mà bước đi một bước nữa thì xin Bê chuyển tiền 401(k) qua quỹ IRA, chẳng hạn, thì con cháu sẽ được lợi trong việc thừa kế hơn là tiền thuộc quỹ 401(k).
(1) Mỗi năm Đệ được sai ba lần mà sai lầm này lại tính vào năm 2014 nên năm 2016 này vẫn là... chưa sai lần nào.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. What You Need to Know About Naming a Beneficiary for Your 401k
C. Family Feuds: The Battles Over Retirement Accounts

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Croissant

Thân chào các Bê*,
Hôm nay lại lăng nhăng viết về một loại bánh "Tây" mà các Bê đều có ăn qua: Le Croissant. Bánh Croissant thì không xa lại với thế giới, đặc biệt là những nước có tiếp xúc với nền ẩm thực Pháp như Việt Nam. Thế thì còn gì mới lạ để viết ra đây, ông? Dạ, thì đã bảo là Đệ thích viết nhăng cho đầu óc tiếp tục hoạt động mà!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bánh croissant mà ở Việt Nam có người gọi là bánh sừng bò có hình dáng giống sừng bò. Hừm, croissant có nghĩa là trăng lưỡi liềm theo nguyên ngữ crescent mà không biết bác nào nỡ cúng cơm đặt cho nó cái tên trần tục là "sừng bò"!!! Thôi thì từ nay cứ gọi nó là cái bánh croissant cho có vẻ hoà đồng với thế giới.

Đặc Điểm

Croissant là bánh bột mỳ nướng với hai đặc tính dễ phân biệt: một là phải có bơ (butter, beurre) và hai là phải sốp vì bột nhồi rồi sếp lớp (multilayer folded dough). Hơn nữa, phải có hình thuôn dài mập ở giữa trong khi hai đầu cong lại và nhọn. Bê cứ vào Le Croissant thì thấy ông Gúc Gồ trưng bầy hình bánh croissant đủ kiểu đủ cỡ. Thường thì croissant không có nhân vì croissant đủ bản lãnh để tự thể hiện mình là "bánh của bánh", là "mother of all pastry" (cái này là Đệ đặt ra vì lòng... yêu croissant, nghe) mà không cần trợ lực từ đường, mứt, hạt (như hạnh nhân), chocolate, hoặc thịt.
Nhưng tại Mỹ thì không khó tìm các biến tấu của croissant với đường, hạt hạnh nhân (almond), hoặc sô cô la (chocolate). Hừm có cần không? Dạ, trăm lần không, ngàn lần không! Croisant có nhân (theo Đệ) không còn là croissant nữa!
Tại sao lại có đường? Thích đường thì xin Bê chọn Doughnut (donut) của Mỹ cho. Tại sao lại có chocolate? Thích sô cô la thì xin Bê chọn một cái Éclaire cho.  Thích hạnh nhân thì sao không chọn Macaron? Sao cứ muốn con Thiên Nga có thêm lông Công? Quên, không nói với Bê là croissant cần không ngọt "hỗn" (cái ngọt chỉ có như một "after taste"; đến sau khi đã được nhai trong miệng). Khi Bê cắn một miếng Kripy Kreme (thuộc loại donut có lớp đường phủ mặt; sugar glazed donut) mà môi mà lưỡi nhận biết đây là đường thì cái ngọt này là ngọt "hỗn". 

Croissant Sandwich

Cái này là cái quái quỷ gì đây? Croissant sandwiches? Chắc có lẽ đây là phát minh không cần có! Nhưng thôi ai thích thì cứ thích: Đệ thỉnh thoảng cũng... làm một cái (khi tạm thời quên tên Bác sỹ của mình).

Nguồn Gốc

Croissant được xã hội Tây Phương cho là  bắt nguồn từ Áo vào thế kỷ 19 (phụ chú B, C và D) và trở thành "French" croissant vào đầu thế kỷ 20. Thuyết này cũng cho là croissant là hậu duệ của Kifli tuy nhiên Kifli (hay Kipferl) được sếp vào dạng bánh mỳ (bread) chứ không phải bánh ngọt (pastry). 

Nếu Không Có Croissant Thì Sao?

Dạ, đi du lịch ở đâu mà không tìm ra croissant thì Bê ăn đỡ Danish Pastry hay Sfogliatelle. Hay có cái Cannoli thì cũng là tạm quên niềm nhớ croissant. Coi chừng đường, nghe! Còn Bê nào thích ngọt nữa thì thử Baklava xem sao. À mà sao Đệ nghi là Baklava với cách sếp lớp (multilayer dough) của bột bánh có thể ảnh hưởng tới sự ra đời của bánh croissant (Baklava có lịch sử từ thế kỷ thứ 3).

Còn Làm ở Nhà?

Cái này là Bê muốn "kiếm chuyện", nghe! Làm lấy có cái hay của nó vì mình "control" được mọi chuyện từ bột, từ đường, từ bơ và cũng như cách nướng. Bê muốn thì thử xem Croissant - Taste of Paris - Bruno Albouze - THE REAL DEAL (nếu hiểu tiếng Anh). Còn nếu biết tiếng Pháp thì xem Recette des Croissants maison / Homemade croissants - English subtitles - 750 Grammes. Không biết tiếng Tây, tiếng U (U như trong USA) gì hết thì sao? Thì Bê "coi" cả hai cái video này mà làm theo thì được! Quan trọng là:
  • Bột có men nổi nhồi xong để tủ lạnh.
  • Chọn loại bơ lạt (unsalted butter). Đệ có dịp học với một giáo sư, ông từng làm cho hãng Land O' Lakes nên xin giới thiệu bơ Hoa Kỳ này vì nổi tiếng quốc tế. Bê nào chuộng bơ Tây thì cũng tốt.
  • Cán bột thành miếng lớn rồi gấp thành nhiều lớp. Thấy họ gấp làm sao thì mình bắt chước làm vậy.
  • Làm nóng lò trước khi bỏ bánh vào.
  • Độ nóng cũng như thời gian cũng khá quan trọng nhưng đừng quên dùng mắt theo dõi chúng. Mắt Bê mà thấy ngon thì miệng lưỡi Bê sẽ đồng ý thôi.

Làm Sao Biết Là Ngon?

Dễ lắm! Cái croissant nào mà Bê thấy ngon là nó... ngon! Thật là "dở hơi" khi Bê bỏ tiền ra mua mà sau đó lại chê là không ngon. Có chăng là cái croissant Bê đang ăn không ngon bằng những cái croissants Bê đã từng ăn. [thật ra thì có vài chỗ làm... rất dở! Nhưng chỉ cần nhìn là đã không mua rồi].

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Cái tuyệt vời của Croissant là già trẻ lớn bé, nhai khỏe hay không đều có thể thưởng thức được!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. Origins of the croissant -- The Hungarian Girls.
C. Bánh Sừng Bò -- Wikipedia
D. Croissant -- Wikipedia (Tiếng Anh)


Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Luật hưu Hoa Kỳ 2015 -- Xóa Sổ Hai Chiêu Quan Trọng

 Thân chào các Bê*,
 Hôm nay xin trở lại đề tài nóng bỏng cho các Bê ở Mỹ và muốn về hưu. Như thường lệ: Quyết định về hưu trí cũng như tài chánh là quyết định rất quan trọng. Xin Bê đọc và tham khảo thêm chứ đừng cả tin. Hơn nữa mặc dầu Đệ có những đường dẫn cuối bài từ bản gốc nhưng vì luật có thể thay đổi nên Bê luôn phải tham khảo luật lệ mới nhất từ những chuyên gia...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề....
Tin động trời vừa xảy ra trong tháng 11, 2015: Quốc hội Hoa Kỳ mới chỉnh sửa luật hưu trí nên chiêu số 4 trong bài Khai hưu: chiêu số 4 và 6 bị xóa sổ!!! Ai đang trong quá trình xữ dụng chiêu này thì luật Mỹ cho phép thông qua theo lề luật grandfathering có nghĩa là đang trong tiến trình nạp đơn thì luật cũ còn áp dụng. Khi nào luật cấm chiêu số 4 sẽ bắt đầu có hiệu lực? Sáu tháng sau khi
Tổng Thống ký ban hành luật (sau khi quốc hội phê chuẩn)--H.R. 1314, the Bipartisan Budget Act of 2015 vào ngày 2 tháng 11, 2015. (phụ chú G)

Sau đây là hỏi đáp của Tom Pekar về trường hợp của hai vợ chồng ông ta (phụ chú B):

Hỏi

Cả hai vợ chồng đều 64 tuổi. Tiền hưu toàn phần của chồng ở tuổi 66 là khoảng $2,330 và của vợ là $800. Chồng dự định khai và treo (file and suspend) ở tuổi hưu toàn phần 66 để vợ hưởng một nửa lương hưu của chồng (một nửa vì vợ cũng 66 tuổi lúc đó), có nghĩa là $1,165 thay vì chỉ có $800. Hai vợ chồng sẽ sống bằng tiền hưu $1,165 cộng tiền dành dụm và tiền hưu bổng khác. Cho tới khi chồng được 70 tuổi thì lúc đó lương hưu sẽ tăng thành $3,100 (vì mỗi năm từ 66 tới 69 tiền hưu tăng khoảng 8%). Và nếu ông chồng có về với đất trời sau tuổi 70 thì vợ sẽ lãnh 100% hưu của chồng là $3,100. Luật mới có cho phép làm vậy không? Tom Pekar, Barbourville, W. Va.

Đáp

Luật mới không còn cho làm vậy nữa! (sáu tháng sau khi ký thành luật ngày 02 tháng 11 năm 2015 là đầu tháng 5 năm 2016). Tuy nhiên luật mới lại có cái lỗ hổng mà hai vợ chồng này có thể lợi dụng: vì cả hai vợ chồng đều trên 62 tuổi khi luật thay đổi nên lề luật grandfathering cho phép ông chồng ăn theo hưu vợ khi cả hai được 66 tuổi (xem phần "Chưa hết" ở dưới). Tưởng xui mà lại hên vì như vậy vợ lãnh $800 và chồng ăn theo được $400 nữa là tổng cộng $1,200 thay vì cách file and suspend như trên thì chỉ được lãnh $1,165. Xin Bê chú ý cho là trường hợp này cũng khá đặc biệt khi một rưỡi lương vợ ($800 + $400 = $1,200) lại lớn hơn một nửa lương chồng ($2,330 / 2 = $1,165). Chứ nếu lương hưu chồng là $3,000 thì một nửa là $1,500 thì cách bị xoá sổ là lợi hơn nhưng hai vợ chồng này không làm được vì luật mới không cho phép.

Chưa hết

H. R. 1314 còn xóa sổ chiêu "spouse then worker" (chiêu này giống chiêu số 6--start-stop-start nhưng là trường hợp của Bê Thấp--ở bài nói trên). Luật mới (cấm chiêu spouse then worker) không áp dụng cho những Bê 62 tuổi (hoặc hơn) trong năm 2015. Có nghĩa là ai đã 62 tuổi trở lên trong năm 2015 thì vẫn có thể dùng chiêu spouse then worker.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê nào mà 62 tuổi (hoặc lớn hơn) trong năm 2015 thì vẫn có thể xử dụng chiêu "spouse then worker". Sướng nhé!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. New Social Security strategies for couples (2015-12-21)
C. Changes mean it’s time to re-evaluate that Social Security strategy (2015-12-18)
D. Avoid a deeply flawed strategy for married couples and Social Security (2015-11-19)
E. Congress kills Social Security claiming loopholes (2015-11-11)
F. Social Security changes will hit couples, divorced women hard (2015-11-06)
G. Congress Passes H.R. 1314, the Bipartisan Budget Act of 2015
H. Bài về hưu trí đã viết:
Hoa Kỳ - Hưu Ở Đâu Có Lợi Về Thuế?

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Thông Minh Cảm Xúc -- Emotional Intelligence - EQ

Thân chào các Bê (*),
Bài này viết đã lâu nhưng không hoàn tất mặc dầu đây là một đề tài Đệ rất thích thú: giỏi ứng xử với người và với đời. Bê chắc đã gặp và làm việc với nhiều người trong đời; có người mình thích làm việc chung với; có người mình ước là... chẳng bao giờ nên gặp. Tại sao vậy? Tại người hay tại mình? Có những người giỏi ứng xử trong đời sống cũng như tại nơi làm việc; bất kỳ đối tượng là ai. Có lẽ là họ có trình độ kiểm soát/kiềm chế cảm xúc cao hơn người khác, chăng? Khái niệm "Emotional Intelligence" (Emotional Quotient; EQ) ra đời với hoài bảo giải thích chuyện này.
Điều quan trọng là không một hãng nào ở Hoa Kỳ (và chắc là nhiều nước khác) mà phòng tuyển mộ nhân viên lại không quan tâm tới EQ khi phỏng vấn để mướn người. Hay nói cách khác là người tìm việc mà biết trả lời đúng với những câu hỏi của phòng nhân viên (Human Resource Department) về Emotional Intelligence thì thí sinh này có cơ hội nhiều hơn thí sinh không biết gì về EQ.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Khái niệm Emotional Intelligence được manh nha khi Daniel Goleman (một bác sỹ tâm lý học; psychologist) đọc một bài (tiểu) luận của John Mayer và Peter Salovey (một là giáo sư ở University of New Hampshire; một tại Yale) về Emotional Intelligence. Đó là năm 1990.
Năm 1995, Goleman cho xuất bản Emotional Intelligent -- Why It Can Matter More Than IQ, mà sau này thành sách thăm khảo kinh điển.  Chỉ số thông minh (IQ; phụ chú D) ra đời khoảng năm 1912 mà phải đợi đến 83 năm sau chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient; EQ) mới nẩy mầm và nhanh chóng trở thành cổ thụ như ngày nay.
Sách vở và báo cáo khoa học về EQ cũng không còn là hiếm; trình bầy và giảng dạy/huấn luyện về EQ cũng thịnh hành và phổ biến rộng rãi trong mọi ngành từ Thương Mại (Sales) cho tới Quản Trị Kinh Doanh (Business Administrative), và đặc biệt trong chuyên đề Lãnh Đạo (Leadership Training).

Daniel Goleman nêu ra năm tiêu chuẩn như sau:
  1. Biết Mình (Self-Awareness) – Người có EQ cao là người biết mình. Biết người thì tương đối dễ. Biết mình thì như Đông Phương thường nói: ... mới trăm trận thắng. Biết mình thì không để cảm xúc chế ngự mình. Biết mình nên tự tin (không tự tin tếu vì rõ về mình). Biết mình nên thành thật với chính mình. Biết mình nên biết cả cái tốt cái xấu của mình. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất.
  2. Tự chế (Self-Regulation) – Tự chế nên không để mình mờ mắt vì mừng vì giận mà cũng không quyết định bốc đồng, vội vã. Tự chế để tư duy trước khi hành động (nghĩ trước khi làm). Tự chế cũng là khả năng nói không (saying NO; từ chối) với người mà cũng như với mình.
  3. Có động lực (Motivation) – Có động lực chính đáng nên dám bỏ con tép mà bắt con tôm (bỏ qua lợi trước mắt mà nhắm chuyện lâu dài). Có động lực nên không ngại khó, nên làm việc hăng say; mà vì thế nên làm gì cũng đến nơi đến chốn.
  4. Cảm thông (Empathy) – Đây có lẽ là điều quan trọng thứ nhì trong năm điều. Cảm thông được điều người khác muốn, cần cũng như suy nghĩ (quan điểm) thì nói gì mà người không nghe? Cảm thông là cần tránh định kiến và là không nhận định hời hợt. Người cảm thông còn sống đời cởi mở dễ chịu cho người và cho mình.
  5. Khả năng giao tiếp (Social Skills) – Người có khả năng giao tế cao là dấu hiệu của EQ cao. Họ thường ở vai trò lãnh đạo. Thay vì nghĩ cho cá nhân mình họ nghĩ cho tập thể (team players). Khả năng giao tiếp cao vì khiếu ăn nói và vì có khả năng hoà giải cũng như xây dựng những mối quan hệ bền vững và lành mạnh.
Thật là rõ ràng là người có EQ cao không phải là người:
  • Vô Cảm (Indifference): Tự chế nhưng vẫn có cảm xúc. Chỉ kềm chế để có thì giờ biến tư tưởng thành hành động.
  • Phỉnh nịnh người khác (Flattering): Giao tiếp tốt và cảm thông nhưng không phỉnh nịnh với mục đích mua chuộc lòng người hoặc lường gạt người.
 Làm sao tự định giá EQ của mình? Bê ơi, vàng thau lẫn lộn! Bê cứ tìm "EQ self test" thì tìm ra cả ngàn chỗ cống hiến những bài thử nghiệm trình độ thông minh cảm xúc của mình. Tốt cũng có, xấu cũng có, mà thường là không xấu nhưng không chính xác. Sư tổ của EQ, Daniel Goleman, thì cổ động cho ESCI. Thật ra thì bài test nào cũng được, ăn thua là mình có thành thật khi trả lời các câu hỏi không. Bê nên nhớ là điều quan trọng nhất là biết chính mình nên không có lý do gì mà gian lận để có EQ cao mà rốt cuộc lại không biết rõ về chính mình!

EQ của Đệ là bao nhiêu? Bê chắc không tò mò sắc mắc đâu, đúng không? Tự hiểu mình trước đã! Mà đã hiểu được mình thì đâu có cần biết EQ của người khác làm gì!

Chúc Bê một cuối tuần vui với cái vui của người mà cũng  cảm được cái buồn của người.

Happy New Year!

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Trên 60 nhưng đừng dửng dưng trước sự việc/sự thể thì cuộc sống vẫn có ý nghĩa lắm chứ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. MindTools' Emotional Intelligence -- Developing Strong 'People Skills'
C. Daniel Goleman's Emotional Intelligence -Why Can It Matter More Than IQ
D. Wikipedia's IQ