Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Tản Mạn Đầu Năm 2021

Thân chào các Bê (*),
Bài này là bài blog đầu năm 2021. Một năm mới với niềm tin và hy vọng. 

Chúc các Bê với những gì tốt đẹp nhất cho năm mới, 2021.

Lời nguyện đầu năm thì lại vẫn là S.M.A.R.T... 

Những bài các năm trước:
Tản Mạn Đầu Năm 2020
Tản Mạn Đầu Năm 2019
S.M.A.R.T. 2018
S.M.A.R.T. 2017


Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

SMART 2021:
  • Specific (simple, sensible, significant): quyết tâm phải rõ ràng, "vào vấn đề" chứ không nói chung chung. Năm 2021 sẽ bắt đầu với hy vọng là thế giới sẽ chế ngự được đại dịch Covid-19. Tin tức về đại dịch cần được phổ biến.
  • Measurable (meaningful, motivating): thành quả có thể định lượng, đo lường được. Mỗi tháng phải viết một bài về tiến triển trong công việc chống Covid-19.
  • Achievable (agreed, attainable): có thể đạt được. Với ý muốn động não và mang thông tin khả tín đến bạn bè thì mình làm được. 
  • Relevant (reasonable, realistic and resourced, results-based): thành quả thực tế, không viển vông. Tin tức khả tín và khoa học thì lúc nào cũng cần vì nó giúp chúng ta quyết định đúng đắn trong việc bảo vệ sức khỏe.
  • Time bound (time-based, time limited, time/cost limited, timely, time-sensitive): quyết tâm phải định thời khóa để hoàn thành. Không vớ vẩn như: "... trong tương lai, tôi sẽ..." mà không xác định là năm nào, tháng nào. Mỗi tháng, ít nhất, một bài viết trong năm 2021.

Ngày chưa có cô Vy
Đó là New Year's Resolutions (NYR) của Đệ.

Khác với mọi năm, năm nay Đệ xin đặt một vấn đề cắc cớ: Làm sao để viết NYR cho việc mình KHÔNG muốn làm? 
Được chứ!
Cái kiểu: "Trong năm 2021, tôi sẽ không ăn mặn hai ngày một tháng (ta): ngày mùng một và ngày rằm"

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê nên nhớ là với luật quốc tế thì trên 60 tuổi, không ai dám bắt buộc Bê phải giữ lời; chỉ là tự mình thấy thẹn với mình!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài  << Bê có muốn xem lại các bài blogs cũ thì vào http://hoatran36.blogspot.com/ (bằng computer thì có phần mục lục-Blog Archive)

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Videos 2020

Thân chào các Bê (*),
Đây không hẳn là một bài blog mà chỉ là bài tổng kết liệt kê tất cả những videos đã có trong Youtube.com trong năm 2020

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Trong năm 2020 Đệ đã mang ra Youtube.com những videos:















Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Xin Đừng - Cuối Cùng

Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay, thì đã rõ là ai sẽ đăng quang làm Tổng Thống thứ 46 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chúc mừng ông và toàn thể nước Mỹ. Mong là nước Mỹ trong nhiệm kỳ bốn năm sẽ làm được những việc ích nước, lợi dân...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Xin Đừng cái gì đây?

Có thể nói là năm 2020 đã thực chứng với người công dân Hoa Kỳ là kinh tế không phải là tất cả. 
  • Một nước mạnh còn phải là gương sáng cho thế giới noi theo. 
  • Một nước mạnh không chỉ là có cơm no áo ấm mà người dân còn phải được đảm bảo về y tế, sức khỏe. 
  • Một nước không chỉ cần dân chủ văn minh mà còn cần có đạo đức. 
Nói gì thì nói, bốn năm qua, nước Mỹ đã chìm đắm trong khẩu hiệu "Make America Great Again" (MAGA), đã hùng hồn, hò hét rằng "America First" và vì quá đắm say trong giấc mộng dân túy (populist dream) mà chúng ta đánh mất tư cách cũng như liêm sỉ của người công dân xứ văn minh.

Trách Ngài Trump thì không hẳn là đúng
Nếu chúng ta không "xấu xí" thì làm sao Trump có thể có những hành động đốn mạt như vậy? 

Trách là nên trách chúng ta; chúng ta có để ông làm thì ông mới làm như vậy được.

Vấn đề là Ngài vẫn có khoảng 74 triệu phiếu bầu. Hơn bảy chục triệu người Hoa Kỳ đồng ý và cổ võ việc làm và hành động của Ngài. Họ bất chấp tất cả vì Ngài mang tới cái lợi cho khoảng 74 triệu người và gia đình của họ. Hẳn là Bê thấy hình ảnh họ và con cái của họ cầm cờ ủng hộ ông trong mùa bầu cử vừa qua như thế nào.

Trump có thể đi vào lịch sử như kẻ bại trận 2020 nhưng cũng có thể là ông sẽ tìm cách khôi phục ý đồ và ra tranh cử năm 2024. Ngay như ông không làm gì (Trump is finished) nhưng 74 triệu người kia sẽ tìm người khác có thể đại diện cho họ mà tái diễn giấc mơ xấu xí của họ.

Một lần nữa, xin chúc mừng cho tân chính phủ nhưng xin đừng ngủ quên trên chiến thắng (Rest on your laurels). Hai năm ngắn ngủi cho Biden-Harris dọn dẹp và thanh toán những khó khăn mà nước Mỹ đang gánh chịu. Bê có thể tin là đảng Cộng Hòa sẽ cố dành lại Hạ viện trong kỳ bầu cử giữa kỳ 2022. Do Not Rest on Your Laurels!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì càng ngày càng ít quan tâm về chính trị nhưng mong là Bê sẽ tiếp tục sáng suốt trong các mùa bầu cử sau 2020.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Không Đánh Mà Khai!

Thân chào các Bê (*), 

Sáng hôm nay thứ Bảy nhưng lại là một trong vài lần trong năm phải tắt (power down) tất cả các máy tính trong trung tâm và bật trở lại (power up). Sau đó là cài đặt nhu liệu mới... Việc làm thì đã có cả toán làm nhưng mình vẫn phải... chỉ tay năm ngón. Trời nắng nhưng phải ứng trực tại nhà nên ngồi viết lăng nhăng.
Từ khi bắt đầu viết blog thì Đệ đã nói là "đọc mà tin ngay không kiểm chứng thì thà là đừng đọc"; có nghĩa là những điều Đệ viết chỉ là cảm nhận của một cá nhân, các đường dẫn (links) có thể là không đúng (hoặc mất thời gian tính), sự kiện trích dẫn có thể đã thay đổi, vân vân...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Ngày nay với công nghệ thông tin ở mức vệ tinh, cáp quang cũng như mạng xã hội phổ biến và phổ cập thì cái gì Bê đăng ra (posting) sẽ đi khắp nơi trên trái đất này gần như là lập tức. Lifestream là một thí dụ: Bê đang ở đâu, làm gì, ăn gì, có nhà hay không, ngay cả mang trang sức gì cũng được người tò mò nhìn thấy. Thường thì chẳng sao. Người vào xem lifestream thì "u", thì "a" rồi bỏ qua nhưng kẻ gian nhìn thấy thì đây là "tin tình báo" (intelligence) mà xưa kia muốn có thì phải cho người theo dõi (tốn phí, có khi phải được cấp trên chấp thuận (approved), dễ bị lộ, không xâm nhập vào nhiều nơi chốn, vân vân...) Nhiều nhà nước hiện nay lẳng lặng theo dõi công dân của họ qua những thông tin tình báo không mất tiền này. Nói it xin Bê hiểu nhiều; cái này là không đánh mà khai.

Khi vào Facebook/Tweeter/Instagram thì Đệ chắc là mình đoán trúng ai theo phe nào. Có gì mà sợ? Bê sẽ hỏi. Thường thì chẳng có gì mà sợ, có khi là điều tốt để thêm bạn cùng chí hướng, bớt bạn nghịch chí hướng. Đây là trường hợp mà Bê muốn cho mọi người biết cơ mà! Nhưng cái mầm hại là nếu mình không biết là mình đang không đánh mà khai.

Nếu Bê có trương mục (account, xin đừng gọi là tài khoản vì không tốn tiền để có trương mục) với Parler chẳng hạn thì người có đầu óc tổng hợp thông tin, như... điều tra viên chẳng hạn, có thể ghi nhận đây là một mảnh của nguyên phần lý lịch (a piece of a whole picture). Đây là không đánh mà khai.

Chuyện xa xưa nhưng xin kể ra đây vì không hại gì: Khi ra trường với bằng cử nhân về tin học thì Đệ là sinh viên xuất sắc của khoa và của năm đó (cum laude), trường tổ chức cho các hãng IT lớn trong nước vào trường tuyển nhân viên. Đệ tham gia vào những buổi phỏng vấn này với hy vọng khá cao là họ sẽ rất ngưỡng mộ thành tích học tập của mình. Khi người phỏng vấn của một hãng rất lớn của Hoa Kỳ hỏi là: "Tại sao bạn lại muốn làm cho hãng chúng tôi?" Câu hỏi khá là thông thường nhưng ông ấy lại nhận được câu trả lời, khá là dại, của Đệ. Đệ nói với ông là Đệ rất ngưỡng mộ ông Tổng Giám Đốc của hãng và Đệ mong là sẽ được làm việc dưới trướng của ông. Bê thấy câu trả lời dại chỗ nào không? Dại chỗ là Đệ không biết là ông này có thích ông Tổng Giám Đốc của ông không. Hừm, không đánh mà khai.

Phụ chú B và C là hai bài tiêu biểu cho việc thu thập thông tin để tuyển nhân viên của các hãng ở Hoa Kỳ và để thêm dữ kiện trong trường hợp hãng bảo hiểm điều tra để bồi thường. Đây chỉ là hãng xưởng, hãng bảo hiểm, còn cơ quan nhà nước (của một số quốc gia) thì họ có vào mạng xã hội không? Hỏi thế thôi, chứ câu trả lời là CÓ.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì sợ gì nữa?!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. The top three things that employers want to see in your social media profiles

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Xin Đừng IX

Thân chào các Bê (*), 

Ah, bài này là bài blog thứ chín rồi. Trời hôm nay nắng nên ngồi trong nhà mà viết blog thì thật là... dở hơi! Đừng gì nữa đây? Có nhiều người rất cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày; thậm chí là bắt bẻ người khác vì cho rằng người khác phải thận trọng trong đời sống.
Rồi một hôm phải vội vàng vào Tweeter mà xóa bỏ những líu lo (tweets) mà mình đã viết. Bây giờ mới thấy là mình dại...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Chuyện là một thời sự xảy ra cho bà Neera Tanden. Trong quá khứ bà chỉ trích rất nhiều các Thượng Nghị Sỹ Liên Bang (US Senators); đa số là TNS thuộc đảng Cộng Hòa. Những điều bà viết trong Tweeter là cảm nghĩ của bà; một chính khách thuộc đảng Dân Chủ. Sau bầu cử khi thấy Biden có tương lai là Tổng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ, bà đã âm thầm xóa các tweets này vì biết là mình có cơ hội được đề cử làm Giám Đốc cơ quan OMB (Head of Office of Management and Budget): một chức vụ quan trọng trong nội các mới. Quan trọng tới mức mà Tổng Thống đề cử và Thượng Viện Hoa Kỳ phải bỏ phiếu phê chuẩn. 
Chưa gì mà một số TNS (Cộng Hòa) đã nói tới những tweets của bà này và cho biết là họ khó mà bỏ phiếu thuận cho bà. Nếu phe Cộng Hòa chiếm đa số trong Thượng Viện Hoa Kỳ thì hy vọng được phê chuẩn là rất ít! Một điều chỉ có thể tránh là nếu phe Dân Chủ thắng thêm cả hai ghế Thượng Viện từ Georgia trong cuộc bầu cử chung kết vào tháng Giêng này. Nếu Cộng Hòa thắng thêm, dù chỉ, một ghế thì Cộng Hòa vẫn giữ đa số. 
Thường thì khi Tổng Thống đề cử thì trước sau gì thì Thượng Viện cũng phê chuẩn nhưng cũng có trường hợp quá căng mà Tổng Thống phải đề cử người khác vì Thượng Viện không chịu phê chuẩn. 

Bài học này quả là quá lớn cho bà và cho tất cả mọi người: 
  • Trừ trường hợp mà mình có rất nhiều quyết tâm và lập trường còn không thì xin đừng vì ngứa miệng mà vạ vào thân. 
  • Một việc mà không mấy người biết tới là: hãng xưởng ở Mỹ, và có lẽ ở nước khác, trước khi mướn người thì ngầm điều tra lý lịch cũng như quá khứ của người xin việc qua các bài đăng trong mạng xã hội. 
  • Xóa đi thì cũng không hẳn là nó biến mất hoàn toàn. Người muốn điều tra vẫn có cách tìm lại những gì một người đăng trên mạng xã hội. Đó là chưa kể, "đồng bọn" của mình chia sẻ qua trang mạng của họ.
Mong lắm thay!
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê mà có cô con gái biểu tình cầm tấm bảng đề (hoặc mặc áo thung): "I'd Rather Get Co-vi-19 Than Biden-20" thì chắc buồn lắm. 

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Neera Tanden deleted tweets slamming GOP senators ahead of nomination to become OMB director

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Mặt Trời Không Thể Chia Đôi!

Thân chào các Bê (*), 

Đáng lẽ là mùa lễ thì không nói chuyện buồn nhưng sáng nay, uống cà phê/nghe nhạc thì nghe bài Khi Ta Xa Rời Nhau của Nhạc sỹ Trúc Hồ; nên lại xin phiếm "loạn"...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Wow, lại một bài hát của Trúc Hồ về tình yêu tan vỡ. Tình phụ có lẽ là thể loại mạnh (forte) của Trúc Hồ. Nói chung thì có lẽ chúng ta rất cảm khi nghe nói tới, hay nghe một chuyện tình dang dở, tan vỡ. 

Thôi bây giờ xin bàn nhăng về lời (lyrics) bài này:
  • Xin nói ngay là lời và nhạc của bài này mà được hát bởi Ca sĩ  hạng nhất (giọng hay + biết diễn tả) thì quả là tuyệt vời. Nhất là khi người hát biết đồng hành với tiếng bass. Tiếng bass luôn làm người nghe trùng lòng xuống khi nghe.
  • Lời hát nói đến một mối tình đã ngưng nhưng mãi sẽ còn day dứt trong lòng người trong cuộc tình.
  • Cuộc tình đẹp không nhất thiết là cả hai đều phải yêu thật lòng. Mở đầu rất trực tiếp (direct) là: "Dù đã biết Anh (Em) không thật lòng yêu Em (Anh)".
  • Tình yêu chỉ đẹp khi có những kỷ niệm để nhớ, để "không đành lòng" quên. Những cái "nhớ" đó mới tích lũy thành "tình yêu"; chứ khi đang yêu thì chỉ là sinh hoạt với cảm xúc của hai người trong cuộc.
  • Yêu luôn là hy vọng ("Xin thật lòng... dù chỉ một lần thôi") và hy vọng thường đi đôi với thất vọng!
  • Bài nhạc dùng bối cảnh mùa Thu ("Mùa Thu đến...", "lá vàng") mà mùa Thu thì quá đẹp nhưng cũng là báo hiệu là mùa Đông ảm đạm theo sau.
  • Tình yêu mất thì hại cho con tim ("...lòng quặn đau, con tim này nát tan") mà "hồn" thì "bơ vơ tìm về quá khứ". OMG!
  • Cuối điệp khúc là câu hỏi: "Vì sao, vì sao ta đã mất nhau" và câu trả lời (cũng là cái coda của bài nhạc) là một crescendo: "Vì Mặt trời không thể chia đôi và Mặt trăng muôn đời lẻ loi!..." Trả lời vậy thì là tuyệt vời trong văn chương/thi ca/âm nhạc; nhưng với con người có chút thực tế thì có vẻ... không thực tế! 
  • Thật ra câu trả lời thật đã có ở đoạn trước: "Yêu vội vàng; nên ta sớm mất nhau"

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì biết tình yêu là sản phẩm của mỗi con người chúng ta. Chúng ta cần trợ thủ nhưng nhân vật chính là ai thì Bê chắc là đoán ra.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Khi Ta Xa Rời Nhau - Thương Linh - MMG band <<< link tới Youtube video bài đầu của ba bài hát.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Tử Tế: Được Gì? Mất Gì?

Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay, một ngày trước Lễ Tạ Ơn (Day of Thanksgivings). Trước hết là xin chúc mọi người một ngày Thanksgivings nhiều hạnh phúc bên gia đình và hơn nữa nguyên mùa lễ cuối năm (Giáng Sinh, Tết Tây, vân vân, ...) vui vẻ và may mắn! Sau là lại xin viết lăng nhăng về đề tài: Tử tế với nhau thì mất gì, được gì?

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Tử tế là gì trong tiếng Anh?
  • decent
  • nice
  • kind
  • respectful 
  • amiable
  • giving
All the above and more... Tất cả những tĩnh từ ở trên và thêm những tĩnh từ khác làm tha nhân cảm thấy được ân cần trong tương tác.

Trước, xin liệt kê cái "mất":

  • Tử tế đòi hỏi nỗ lực từ mỗi con người chúng ta. Nỗ lực là mất... thì giờ, (có khi) tiền bạc.
  • Tử tế có khi bị cho là khờ khạo. "Sao mày ngu quá vậy?" là câu Đệ hay nghe khi còn nhỏ, còn "ngu".
  • Tử tế có khi bị lợi dụng.

Tử tế được gì?

  • Tử tế luôn được đón nhận tích cực, thụ nhân bao giờ cũng thích, cũng vui.
  • Tử tế, trên đường dài, sẽ được nhận lại những tử tế từ người khác.
  • Sự bình an trong tâm hồn
  • Góp phần mang thế giới đến chỗ tốt đẹp hơn.
Được nhiều lắm, đúng không? Nhưng dĩ nhiên chúng ta là con người với đủ hỉ nộ ái ố thì chúng ta cũng có lúc không tử tế với người khác. Đệ cũng không là ngoại lệ: có lúc "cái xấu xí" trong người mình lấn chiếm và kiểm soát tư duy và hành động của mình. Đặc biệt là có khi chúng ta tử tế với tha nhân mà đối với người thân thì lại không! Xin sám hối! Mea culpa!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Lớn tuổi rồi nhưng xin Bê vẫn phải tích cực tử tế với người; chứ đừng nghĩ là người phải tử tế với mình (trước).

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Xin Đừng VIII

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin viết lăng nhăng. Đề tài thì dễ gây động chạm nhưng không viết thì tình trạng ngày càng tệ hại. Bài này xin chỉ đề cập chung chung mà không chỉ thẳng ra là ai vì lý luận sau đây khá là phổ biến trong cộng đồng người Việt định cư tại Hoa Kỳ:
 
Tu Chinh Án thứ Nhất (TCA1) trong Hiến Pháp Hoa Kỳ (the First Amendment Right) là tuyệt đối

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Trước hết xin "disclaim" là Đệ không phải là luật gia và cũng không rành về Hiến Pháp Hoa Kỳ như Đệ mong ước. 
Nhưng cũng xin nói ngay là: Tự do ngôn luận (tự do phát biểu; First Amendment of the Bill of Rights) không mang tính tuyệt đối:

Phụ chú C, ghi nguyên văn TCA1: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.” — The First Amendment

Như trong phụ chú B, Freedom of Speech and of the Press được diễn nghĩa như sau:
Freedom of Speech and of the Press: The First Amendment allows citizens to express and to be exposed to a wide range of opinions and views. It was intended to ensure a free exchange of ideas even if the ideas are unpopular. Freedom of speech encompasses not only the spoken and written word, but also all kinds of expression (including non-verbal communications, such as sit-ins, art, photographs, films and advertisements). Under its provisions, the media— including television, radio and the Internet— is free to distribute a wide range of news, facts, opinions and pictures. The amendment protects not only the speaker, but also the person who receives the information. The right to read, hear, see and obtain different points of view is a First Amendment right as well. (Tạm dịch: Tu chính án bảo vệ không những người phát biểu ý kiến mà cả người nhận những ý kiến này. Quyền đọc, nghe, và thấy những ý kiến trái chiều cũng nằm trong tu chính án số một)

Định nghĩa trên thì không có gì tranh cãi; nhưng phần ít người chịu để ý là TCA1 nhắm vào chính quyền (ba ngành Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp). Chính quyền không thể làm luật, thi hành luật, và áp dụng luật đi ngược lại TCA1

Chứ Tư Nhân KHÔNG bị buộc vào TCA1. Lấy thí dụ: 
  • đài truyền hình, đài phát thanh vẫn có quyền cấm người phát biểu nói những lời tục tĩu khi phát ngôn trên sóng. 
  • Facebook (FB) vẫn có quyền ghi dấu những posting mà FB phát hiện là bịa đặt. 
  • Nếu quý vị nào không tin thì xin thử vào nhà thờ Công Giáo của người Việt tại Hoa Kỳ và nói những lời bất kính về Đạo và Chúa Giêsu; thử xem sao!
Lại nữa, TCA1 không mang tính tuyệt đối vì ngay như chính quyền cũng có thể giới hạn sự tự do ngôn luận: (trích phụ chú C ở chú thích 1)
  • Xin chỉ ra một vài thí dụ (xem nguyên văn ở chú thích 1):
    • Speech that incites others to commit crimes is prosecuted by the government. If you tell a crowd to smash store windows and set fires and they do it, you’ve committed a crime. Tạm dịch: Chính quyền sẽ truy tố ai khích động người khác vi phạm luật. Nếu bạn khích động đám đông ném đá vào cửa kính nhà hoặc tiệm rồi phóng hỏa. Nếu họ làm thì chính bạn cũng mắc tội khích động vì xíu dục không được TCA1 bảo vệ.
    • Lying to Congress or a federal agent is a crime. If you lie to an FBI agent, you can be prosecuted under 18 U.S.C. 1001 and face five years in federal prison. Tạm dịch: Nói láo với Quốc Hội hay nhân viên FBI (cơ quan Điều Tra Liên Bang) là phạm pháp. Lời khai láo không được TCA1 bảo vệ.

Xin đừng là xin đừng cái gì?

Xin các quý vị làm truyền thông cho cộng đồng Việt Nam: 
  • Xin đừng diễn dịch những sự kiện về luật pháp Hoa Kỳ nếu chính quý vị cũng chỉ biết... một phần. Thí dụ như gào lên là TCA1 là tuyệt đối: Tôi muốn nói gì tôi nói, vân vân...
  • Quý vị biết là Hiến Pháp Hoa Kỳ có TCA1 nhưng quý vị lại không thật sự hiểu TCA1. Mong là lần tới xin quý ông, quý bà bỏ chút thời giờ mà làm "homework" trước khi lên sóng, lên mạng. 

  • Mong lắm thay!
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì chắc nghe "tin láo" nhiều lần rồi!

(1) Trích phụ chú C:
If your idea of protesting involves graffiti, breaking windows, fighting and setting fires, then that’s not protected speech.
The government prohibits Americans from threatening the president of the United States. While expressing a hope that the president is assassinated is protected speech, making a credible threat to do it yourself can land you in federal prison.
The government also limits the free speech of members of the military. Article 88 of the Uniform Code of Military Justice, 10 U.S.C. 888 prohibits a commissioned military officer from using contemptuous words against the president, Congress and others. Gen. Stanley McChrystal exercised his First Amendment rights in a Rolling Stone interview in 2010 and was relieved of his command in Afghanistan.
Lying to Congress or a federal agent is a crime. If you lie to an FBI agent, you can be prosecuted under 18 U.S.C. 1001 and face five years in federal prison.
Making a bomb joke in an airport within earshot of TSA is prohibited. The government views it as a necessary infringement on the right to free speech in order to keep people safe. You can be arrested.
Schools enforce dress codes that limit students’ freedom of expression. While students do have First Amendment rights, if their speech is disruptive to the classroom or school, it can legally be prohibited.
In some cases schools can limit the free speech of student newspapers. And many colleges and universities are penalizing students for their social media behavior. This is such a new area there isn’t much guidance from the courts, but it’s happening.
While students can pray in public schools, school officials cannot lead prayers without violating the Establishment Clause.
Speech that incites others to commit crimes is prosecuted by the government. If you tell a crowd to smash store windows and set fires and they do it, you’ve committed a crime.
Obscenity runs afoul of the First Amendment even though courts struggle to define what it is. Child pornography has no First Amendment protection whatsoever.
While opinion is protected speech, slanderous or libelous speech is not.
The state limits what can be said on the radio and what kind of language and images can be broadcast over the public airwaves.
The government enforces copyrights and trademarks. You don’t have the freedom to express yourself with someone else’s property.
Yet even with these exceptions to the First Amendment, we still have a vibrant, broad right to express ourselves.
Common-sense limitations on free speech hasn’t resulted in a feared slippery slope resulting in our free expression rights being confiscated. Our constitutionally protected right to bear free expression remains.
No amendment is absolute. Peace.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Khảo Sát Nơi Đến - Covid

Thân chào các Bê (*), 

Tháng 11 và tháng 12 có nhiều ngày lễ cuối năm: Thanksgiving's, Christmas, New Year, etc... Mùa lễ cũng là mùa truyền thống để tụ họp gia đình. Về thăm lại cha mẹ, ông bà, vân vân...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Chuyên gia thì khuyên là ĐỪNG CÓ đi xa (no travel recommended) vì để bảo đảm là mình không lây cho nơi mình tới và không mang bệnh về nơi mình ở. 
Lý do là đại dịch Covid đang tăng nên thận trọng là RẤT cần thiết. 
Chỉ còn vài tháng là có thuốc chủng ngừa nên chúng ta phải kiên trì ngăn chận sự lây lan trong giờ thứ hai mươi lăm này! 
No surprise visit: Phải gọi/viết tin nhắn cho biết là muốn về. 

Nhưng nếu cứ phải đi thì sao?

Thì phải hết sức cẩn thận và phải chuẩn bị chu đáo:
  • Đã nói chuyện với hãng bảo hiểm sức khỏe chưa? Nhớ mang dữ kiện y tế cá nhân, giấy tờ bảo hiểm hoặc ghi trong phone hoặc dặn người ở nhà khi cần thì kiếm ở đâu trong nhà.
  • Đã thử nghiệm virus chưa? (trong vòng hai ngày trước khi đi phải có kết quả) 
    • Nếu dương tính thì chắc chắn phải bỏ chuyến đi
    • Nếu âm tính thì vẫn phải cẩn thận. Đến nơi thì nên cách ly vài ngày và thử nghiệm lần thứ hai. Vui quá mà lại ở nơi lạ thì chắc khó mà có thì giờ đi thử nghiệm.
  • Đừng nghe lời người địa phương tuyệt đối (nghe nhưng phải kiểm chứng). Vào phụ chú B,C mà xem tình hình cũng như lệnh cấm tại nơi mình tới. Việc này có thể xem từ trước khi đi:
    • Vào trang mạng phụ chú B rồi xuống dưới tới mục "State Social Distancing Actions" và chọn chẳng hạn như "Stay at Home Order" để biết chỗ mình tới có đang bị bắt ở trong nhà không.
    • Dưới đó là bảng liệt kê từng tiểu bang, Bê nên xem tiểu bang mình đến có luật lệ gì đặc biệt không.
    • Trang mạng này cập nhật thường xuyên nên Bê nhớ đánh dấu trang này trong smartphone (bookmark) để tra cứu khi cần. Và khi xem trang mạng thì nhớ kiểm tra xem trang mạng được cập nhật (updated) ngày nào.
  • Phụ chú D của Johns Hopkins University
    • Chọn county mà mình sẽ đến thí dụ như Queens, NY và nhắp chuột vào khung có chữ  "Infographic Details"


    • Hình trên với những khoanh đỏ cho ta biết khá nhiều về khả năng chống dịch của county đó. Bê nên so sánh giữa nơi đinơi đến để có một khái niệm là khả năng chống dịch của hai nơi khác nhau như thế nào.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Con cháu về thăm là điều thiên kinh địa nghĩa nhưng nên gọi điện thoại cho chúng bảo chúng là cha/mẹ/ông/bà không muốn có "surprise visit" nếu có về thì phải báo trước và nơi đến phải có đủ phòng ốc để ở, vân vân...

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. State Data and Policy Actions to Address Coronavirus

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

DOS

Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay Đệ xin viết nhăng về một chiến thuật đánh sập (hoặc ít nhất là tạo tình trạng quá tải cho các máy tính chủ). Trong tin học (IT) thì một trong những cách tạo gánh nặng cho những máy chủ (Web servers) của một công ty hay một cơ quan là tìm cách gởi những yêu cầu (requests) bắt máy chủ trả lời. Mà những yêu cầu này (fake requests) thì vô dụng và dùng dữ kiện không thật (untruthful data) nên máy chủ khi nhận sẽ chắc là phải từ chối. Và thường là kẻ gian sẽ "spoofing" nên máy chủ tưởng là cuộc tấn công là từ nhiều nguồn yêu cầu khác nhau và là từ khách hàng đứng đắn (cho tới khi máy chủ kiểm tra dữ kiện mới biết là fake request; sự kiểm tra này làm mất thì giờ và CPU của máy tính).
Đây là điểm chính của cách tấn công: yều cầu chắc chắn bị từ chối nhưng máy chủ vì nhận quá nhiều yêu cầu giả (bad requests) nên không còn sức (CPU) và thì giờ mà làm việc với những yêu cầu chính đáng của khách hàng; thí dụ như đơn đặt hàng (ordering merchandises).  Cách tấn công máy chủ này được gọi là Denial Of Services (DOS) (phụ chú C). Người tiêu dùng chân chính thấy máy chủ chậm trễ trả lời sẽ rất bực dọc và có thể không dùng mạng này nữa và đặt hàng chỗ khác.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Dĩ nhiên là cách tấn công này không mới lạ với giới IT và cách chống những chiêu trò này thì cũng nhiều. Một cách chống DOS là bắt buộc người yêu cầu phải nhấn vào ô: "I'm not a robot" của reCaptcha khi gởi yêu cầu... Đó là trong tin học nhưng chiêu trò này cũng áp dụng trong đời thật:
  • Ngày xưa thì nếu Bê đọc truyện Tàu thì biết cái chiêu khua chiêng gióng trống nửa đêm làm quân trấn thành không ngủ được. Số người làm chuyên khua chiêng gióng trống này thì ít mà làm tất cả người trong thành mất ngủ nhiều lần trong đêm và sẽ mệt mỏi, kiệt sức nhanh chóng nếu bị tấn công ngày hôm sau
  • Xưa thì vậy, nay thì sao? Nay thì tại Hoa Kỳ, Ngài Tổng Thống thuê mướn (không biết có tiền Đệ đóng thuế không?) một lực lượng hùng hậu luật sư đắt tiền thưa kiện liên tục và tại nhiều tiểu bang về việc gian lận phiếu. Tòa án phải thụ lý nên phải xem xét xem việc thưa kiện có "standing" (tạm dịch là đúng lý) hay không rồi mới thụ lý.
    Cho tới hôm nay thì đa phần là Tòa bác đơn hoặc chính các luật sư rút đơn (hoặc vì liêm sỉ hoặc vì không dám nói láo trước Tòa). Ngài cũng biết là sẽ không thắng nhưng mục đích chính không phải là thắng mà là:
    • Quấy nhiễu. DOS attack làm cho Tòa các cấp bận rộn trong việc xét đơn (sau đó quyết định không thụ lý)
    • Phe ủng hộ Ngài còn có khí thế biểu tình và bình luận nhăng cuội với truyền thông
    • Cuộc bầu cử chung cuộc (run-off election; chọn hai Thượng Nghị Sỹ ở tiểu bang Georgia) cần có sự ủng hộ của Ngài với ảo tưởng là phe ta đang thắng
    • Nói chung là câu giờ, trì hoãn với mục đích quấy phá đối phương 
Một việc quan trọng nhất của sự quấy nhiễu này còn là lý do để không bàn giao chính quyền (ascertaining). Khi mà chưa bàn giao chính thức thì nội các mới không có đủ pháp lý để tiếp nhận và tiếp tục những chương trình ích nước lợi dân về an ninh quốc phòng, về y tế chống đại dịch, vân vân... Chắc chắn là Ngài sẽ đổ vấy cho chính quyền mới là bất lực nếu những chương trình của đất nước bị thất bại trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Chiêu trò là nhắm vào việc bầu cử giữa mùa 2022 và bầu cử Tổng Thống 2024 còn chuyện chống đại dịch, bảo vệ an ninh quốc gia thì chắc chắn là Ngài không quan tâm.

DOS có lợi cho Ngài như thế thì tại sao không làm? Lợi cho Ngài mà hại cho người dân!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Không biết ngoài việc phá nát phổi, Covid-19 còn tạo tác hại lâu dài cho hệ thần kinh như thế nào? (phụ chú D)

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Why Trump is filing so many flimsy lawsuits in battleground states

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Xin Đừng VII

 Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay lại xin viết lăng nhăng. Đề tài thì dễ gây động chạm nhưng không viết thì tình trạng ngày càng tệ hại. Nhất là cho những ai chỉ dựa vào một nguồn thông tin; thí dụ như những người chỉ đọc/nghe tin tức của một khuynh hướng: tả/hữu, Dân Chủ/Cộng Hòa, không biết mà làm như biết....

Xin Đừng I
Xin Đừng II 
Xin Đừng III
Xin Đừng IV
Xin Đừng V

Xin Đừng VI

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tin nhảm, tin thất thiệt ngày càng nhiều trên thế giới vì ngày nay ai cũng có khả năng tung tin giả (fake news) lên mạng xã hội. Và rồi tam sao thất bổn; mọi người thấy tin giật gân thì sao chép lại...Tin giả thường là được dựa vào tin thật rồi thay đổi bóp méo theo ý đồ của người viết. 

Xin đừng đưa ra tin giật gân mà không có bằng chứng cụ thể. Mong lắm thay.

Xin đưa ra một thí dụ: một người đăng trên Facebook là có trường hợp người dương tính với Covid-19 nhưng chết vì tai nạn giao thông cũng bị tính là chết vì Covid-19. Bài đăng không cho biết bằng chứng cụ thể (ngày giờ, ai, cơ quan nào cấp giấy chứng nhận tử vong, vân vân...)

Đây là một cáo buộc nghiêm trọng nếu chết vì tai nạn giao thông mà giấy chứng nhận giảo nghiêm ghi là chết vì Covid-19. Người hiểu chuyện nên lập văn bản cụ thể và gởi cho cơ quan chuyên trách về xác nhận tử vong (tùy từng quốc gia) và xin họ sửa đổi giấy khai tử (death certificate) cho chính xác. 
Nếu giải thích của cơ quan chức trách không thỏa đáng thì nhờ truyền thông đáng tin cậy vào cuộc điều tra. Nếu đã lười mà cho qua thì xin đừng đăng vào mạng vì người viết bị coi là tung tin thất thiệt cho dù tin này là có thật. Xin Bê đọc qua bài Anecdotal viết về sự kiện đơn lẻ không đại diện cho một vấn đề khái quát.

Một trường hợp trong mùa bầu cử tại Hoa Kỳ tháng 11, 2020. Mạng xã hội với những người ủng hộ ông Trump đã tin vào và loan truyền là ông đã gài bẩy phe Dân Chủ vì lá phiếu đã được watermarked with mã số nên chính quyền có thể theo dõi lá phiếu. Hai chuyện: một là phiếu bầu giả không có mã số đúng; hai là phiếu bầu cho Trump mà bị lộng kiếng (liệng cống) thì chính quyền có thể theo dõi lá phiếu mà đi tìm xem nó bị vứt ở đâu. Chuyện này đã được chứng minh là bịa đặt (debunked; xem phụ chú C). 

Một điều chắc chắn là sự thật: Tổng Thống Liên Bang Hoa Kỳ không có quyền thiết kế lá phiếu. Liên Bang Hoa Kỳ theo chế độ tản quyền nên tiểu bang được quyền quyết định ai chịu trách nhiệm thiết kế lá phiếu (phụ chú D). Quyền này thuộc về "Secretary of State" của mỗi tiểu bang (có khi thuộc về Hội Đồng Bầu Cử của tiểu bang) nên nói là ông Trump gài bẫy phe Dân Chủ là lời nói của kẻ dốt!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì chắc nghe "tin đồn" nhiều lần rồi!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Covid-19: Bệnh nhân tại Việt Nam 'tử vong do bệnh nền'

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Chuông Ngân

 Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay đã là thứ Bảy sau ngày bầu cử, vào thứ Ba vừa qua, tại Hoa Kỳ. Kết quả chính thức vẫn chưa có vì vẫn còn trong giai đoạn kiểm phiếu. Đệ lại xin viết lăng nhăng trong ngày này như một thói quen mà chỉ bốn năm mới có một lần...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Trước hết xin minh định là Đệ có phần đồng ý với những giá trị Cộng Hòa (Republican Values) như: thu hẹp chính quyền (so với đảng Dân Chủ), giảm thuế, giảm chi để không thâm thủng ngân sách, vân vân... Bốn năm qua, lịch sử cho thấy là Ngài không quan tâm gì tới giá trị Cộng Hòa; cái mà Ngài luôn quan tâm là chính Ngài.
Cứ theo đà đếm phiếu như hiện nay thì Biden-Harris sẽ thắng cử và chúng ta sẽ có ít nhất là bốn năm để hàn gắn vết thương chia rẽ, để chúng ta cùng chung sức mà chống lại, mà ngăn chặn cơn đại dịch Covid-19. Theo Đệ thì viễn tượng này hợp lý hơn là đề cao sự chia rẽ, đề cao sự kỳ thị, bình thường hóa (normalizing) sự dối trá. Tệ hại hơn nữa là cách xử dụng nhân tài của Ngài; có quá nhiều thí dụ để Bê thấy nên Đệ xin không nêu ra đây (1).

Mấy hôm nay, Ngài Phó ẩn hình vì còn phải tập trung vào nhiệm vụ mới: kêu gọi mạnh thường quân đóng góp từ 60 tới 100 triệu đô la để kiện tụng vấn đề gian lận. 
Phụ chú B, đài VOA tiếng Việt cho biết là: "Kể từ khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã gửi email và tin nhắn cho người ủng hộ cáo buộc có gian lận và kêu gọi quyên góp, mặc dù những dòng chữ nhỏ chỉ ra rằng hơn một nửa số tiền huy động được sẽ dùng để chi trả các khoản nợ của chiến dịch.

Xin Ngài, con xin Ngài!

Người Mỹ có một thành ngữ khá lý thú: "You cannot unring a bell!" Chuông đã ngân thì làm sao mà "unring", mà làm cho nó "đã" không ngân! (phụ chú C)

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Mong là Bê sẽ còn đọc những bài 4-năm này nhiều, nhiều lần nữa.
 
(1)  Một trường hợp đặc biệt ngu xuẩn là đưa một ông Bác Sỹ, không chuyên về dịch tễ, lãnh đạo việc chống đại dịch. Ông chỉ nhớ ra một phương cách (mà giới Khoa Học cho là không đúng) là herd immunity (mà Ngài nói là herd mentality!). Nếu theo phương cách để lây lan tự do này thì số người chết oan sẽ gia tăng đáng kể!    

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Chim Trong Tay

Thân chào các Bê (*), 
Mấy tuần lễ nay bận quá; nhưng có một việc phải đề cập trước ngày bầu cử tại Hoa Kỳ. Vấn đề bãi bỏ đạo luật mà mọi người quen gọi là ObamaCare. Bộ luật này gần 1000 trang và đã thành luật thời Tổng Thống Obama. Nguyên tên của đạo luật là "Affordable Care Act, formally known as the Patient Protection and Affordable Care Act", hay gọi tắt là ACA. Vấn đề là rất nhiều người hiểu không đúng về ACA...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Rất nhiều người tưởng ACA là một bảo hiểm y tế mà người nghèo có thể mua. 

Vậy nên nếu có hỏi là bạn có ObamaCare không thì thường là đồng hương sẽ hãnh diện trả lời là: "Không, tôi có mua bảo hiểm XYZ chứ không dùng ObamaCare". Trả lời vậy thì đúng rồi vì đâu có hãng bảo hiểm nào (dù của chính phủ) có tên là ObamaCare.

Hơn nữa ACA (từ nay xin gọi ObamaCare là ACA) chỉ là luật về bảo hiểm sức khỏe chứ không phải là cơ quan (hay hãng bảo hiểm). Tất cả người sinh sống tại Hoa Kỳ (hợp pháp) đều có thể mua bảo hiểm sức khỏe từ hãng bảo hiểm hay cơ quan sức khỏe của tiểu bang mình ở; nếu hội đủ điều kiện và ACA là luật bó buộc hãng bảo hiểm phải bán cho người tiêu dùng vì số điều kiện được giảm xuống. Hay nói cách khác: không có ACA thì sinh sát trong tay hãng bảo hiểm và trong xã hội tư bản thì lợi nhuận là kim chỉ nam cho bất cứ công ty/hãng xưởng nào (kể cả công ty bảo hiểm y tế).

Như vậy có thể cho là ACA có ảnh hưởng tới tất cả mọi người vì tất cả hãng bảo hiểm phải tuân thủ luật ACA (nếu không thì mất tài trợ từ chính quyền liên bang).

Bãi bỏ ACA sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc bảo hiểm sức khỏe của người dân Hoa Kỳ (không chỉ với người nghèo hay người thất nghiệp). 
 
Dĩ nhiên là bãi bỏ luật ACA sẽ giảm gánh nặng cho chính phủ nhưng chắc chắn sẽ dẫn tới việc chuyển gánh nặng cho người tiêu dùng. 
 
Đảng Cộng Hòa thích ý định này vì bãi bỏ ACA thì trước mắt là giảm chi phí cho chính phủ. Nhưng bãi bỏ rồi thay thế bằng những luật lệ gì? Hay chỉ là phá bỏ luật thời trước và để mặc cho hãng bảo hiểm định đoạt số phận cho người tiêu dùng. Những tuyên bố của Ngài có đáng tin không?

Một vài con số và sự kiện sẽ xảy ra: 
  • Hơn 20 triệu người có thể mất bảo hiểm y tế.
  • Nhiều bệnh viện sẽ phải đóng cửa.
  • Người có "tiền bệnh" (pre-conditions) như tim mạch, ung thư, tiểu đường, vân vân sẽ gặp khó khăn khi muốn mua bảo hiểm sức khỏe.
  • Mất một số quyền lợi về bảo hiểm y tế vì không có luật liên bang thì mỗi tiểu bang có quyền định đoạt vấn đề bảo hiểm y tế cho mỗi tiểu bang: số quyền lợi có thể ít đi và tiền đóng bảo hiểm có thể tăng.
  • Người lớn tuổi sẽ phải trả nhiều hơn cho Medicare vì tiền thuế "payroll" sẽ thất thu vì hiện nay ObamaCare bắt buộc người có lợi tức cao phải đóng nhiều vào quỹ. Không còn Obamacare thì tiền thu vào cho Medicare sẽ giảm.
  • Tình trạng lạm dụng thuốc (opioid epidemics) sẽ tệ hại hơn vì bảo hiểm không bị bắt buộc phải chi trả cho việc này nữa.
  • Không có luật khác (TrumpCare hay BidenCare) thì còn nhiều tệ nạn nữa cho vấn đề sức khỏe của người dân Hoa Kỳ. ObamaCare cần được cải thiện và cải tổ nhưng phá bỏ và không có luật thay thế là tự mình bắn vào chân mình.

    "Một con chim trong tay thì hơn cả hai con chim trong bụi"
Nói đồng ý với bãi bỏ ACA là nói bừa, là không hiểu tầm ảnh hưởng của luật này tới chính mình. Xin các Bê tham khảo thêm ở phụ chú B và C.

Dĩ nhiên là chúng ta chưa thấy quan tài thì chúng ta khó mà đổ lệ. Chúng ta cứ thích nghĩ là chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc phá bỏ ObamaCare. 

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi càng cao thì bệnh tật càng nhiều mà thu nhập thì thường là ít đi.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. The Chaos of Repealing the Affordable Care Act During the Coronavirus Pandemic

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Ác Mộng

Thân chào các Bê (*), 

Hôm nay, thứ Sáu, nên lại xin viết nhăng. 
Chẳng là mấy tối qua, mơ thấy ác mộng (NM) nên xin ghi ra đây. Mộng thì chỉ là mộng thôi chứ đời thực thì không như mộng; dù là mộng dữ...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Mộng Một - NM1

Đêm trằn trọc mãi không ngủ (toss & turn in bed). Vừa thiếp đi thì vang vảng tiếng cổ động: "Pho E Vờ, Pho E Vờ!" tiếng hô hào càng lúc càng lớn làm Đệ thức giấc. Thôi rồi! Không phải là "Pho Mo Dia" nữa thì ông ấy thắng rồi. Bây giờ chúng sinh kêu "Pho E Vơ", "Pho E Vờ" thì là kêu gọi Tổng Thống suốt đời rồi còn gì! May mà chỉ là mộng.

Mộng Hai - NM2

Giấc mộng này quả là mộng lớn: Ngài Tổng Thống trong năm 2021 xua quân Cờ (Hoa) bắc tiến chiếm lĩnh xứ Cà (Canada) với lý do là xứ Cà xưa kia thuộc người da đỏ và nay người da đỏ (theo lời Ngài là "On Both Sides")  thỉnh nguyện xứ Cờ phải lấy lại từ tay Cà Nhân. Quân đội xứ Cờ không khó khăn gì để hoàn tất sứ mạng.  May mà chỉ là mộng.

Mộng Ba - NM3

Giấc mộng này liên quan tới NM2: Ngài TT nhận giải Nobel cho hòa bình vì cái công "bình định" xứ Cà và mang cơm no áo ấm cho Cà Nhân (Canada dù phong cảnh rất đẹp nhưng cũng rất lạnh trong mùa Đông; nên chi Cà Nhân phải mang guốc gỗ, sabot, cho đỡ lạnh chân). May mà chỉ là mộng.

May mà chỉ là mộng. Chứ ngày nay mà Đệ phải "sì pon so" cho bạn bè bên Cà thì cũng gọi là vất vả!

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Già rồi nên cứ hay mơ lẩm cẩm!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Anecdotal

Thân chào các Bê (*), 
Hôm nay, Đệ lại xin viết lăng nhăng về một đề tài khá là quan trọng trong lý luận và tư duy: đành là nói có sách mách có chứng thì vẫn là khả tin hơn trong luận lý và giúp người đọc/người nghe có thêm dữ kiện mà tin người nói/người viết; nhưng nếu bằng chứng đó là số ít trong tổng số trường hợp thì không thể dùng bằng chứng ít ỏi này mà nói là toàn thể đều như vầy (you cannot generalize the situation)...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Thí dụ thì rất đơn giản: khi muốn chứng minh là nước Mỹ là một quốc gia trong đó mọi người đều vô cảm với tha nhân và trưng bằng cớ với tấm hình người vô gia cư (homeless people) sống ở vỉa hè trong một thành phố nào đó.
Đây là việc làm tắc trách của người nói/viết; người viết/nói đang dùng một "anecdotal" (sự kiện có xảy ra nhưng không là đại diện cho một vấn đề) và người viết/nói cố tình đưa ra một luận cứ là nếu có homeless thì con người ở đó vô cảm với tha nhân (có thể là như vậy trên thực tế nhưng với "bằng cớ" hời hợt như vậy thì chưa thuyết phục). 

Phụ chú B giúp ta phân biệt thế nào là anecdotal; thế nào là empirical. À há, "empirical" là khi ta có thể:
  • đo/đếm (measured) , 
  • khách quan (unbiased) và 
  • lập lại thí nghiệm (replicable). 
Sau khi đã có empirical data thì vẫn chưa tới đâu trong luận lý. Vì qua khảo sát/khảo hạch (review/scrutiny) mà dữ kiện có thể đưa ra nhận định/kết luận. Trở lại thí dụ trên về vấn đề vô gia cư (homelessness); vấn đề này ở quận Los Angeles (Los Angeles County) là một vấn đề rất phức tạp: 3% dân số toàn quốc nhưng chiếm 7% dân số vô gia cư. Vậy thì nói người dân ở Los Angeles là vô tâm hơn người Mỹ ở chỗ khác? Hay chẳng qua là LA cho nhiều cơ hội, LA ấm áp hơn nơi khác?  

Bài viết trong đường dẫn (link) ở phụ chú B bảo là có 5 lý do không dùng anecdote để đưa ra luận cứ. Bài khá rõ ràng; hy vọng là Bê đọc qua. Nếu cần thì nhờ ông Gúc Gồ dịch dùm.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Lớn tuổi thì nhiều kinh nghiệm nhưng từng trải thì vẫn không cho phép chúng ta lười... suy nghĩ.
B. 5 reasons why anecdotes are totally worthless

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Xin Đừng VI

Thân chào các Bê (*), 
Hôm nay lại xin viết lăng nhăng. Đề tài thì dễ gây động chạm nhưng không viết thì tình trạng ngày càng tệ hại. Nhất là cho những ai chỉ dựa vào một nguồn thông tin; thí dụ như những người chỉ đọc/nghe tin tức của một khuynh hướng: tả/hữu, Dân Chủ/Cộng Hòa, không biết mà làm như biết....

Xin Đừng I
Xin Đừng II 
Xin Đừng III

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tin nhảm, tin thất thiệt ngày càng nhiều trên thế giới vì ngày nay ai cũng có khả năng tung tin giả (fake news) lên mạng xã hội. Và rồi tam sao thất bổn; mọi người thấy tin giật gân thì sao chép lại..Tin giả thường là được dựa vào tin thật rồi thay đổi bóp méo theo ý đồ của người viết. 

Xin đừng cóp, sao chép lại những tin mình chưa kiểm chứng. Mong lắm thay.

Xin lấy một thí dụ: "No one has been able to explain to me why young men and women serve in the U.S. Military for 20 years, risking their lives protecting freedom, and only get 50% of their pay on retirement. While Politicians hold their political positions, in the safe confines of the capital, protected by these same men and women, and receive full-pay retirement after serving one term.. It just does not make any sense." (lấy từ FB, xin dấu tên người viết câu này)

Câu viết tiếng Anh này, tạo một ấn tượng là người viết có kiến thức nên lại càng làm người đọc tin tưởng! Cái mập mờ trong đoạn văn này là full-pay retirement after serving one term.
  • Full-pay retirement? Sai, vì không ai được trả 100% tiền đi làm khi về hưu.
  • After serving one term? Sai, theo phụ chú B, thì hưu bổng (pension) của Dân biểu/Nghị sĩ được tăng theo thâm niên và chỉ được hưởng trọn (xin đọc kỹ là "trọn" chứ không phải 100% lương) hưu bổng sau 5 năm (hai nhiệm kỳ rưỡi cho Dân biểu). 
  • An sinh xã hội thì tính như bất cứ người đi làm nào.
It just does not make any sense! Because it is not true.

Mục đích người viết đoạn văn trên không nhằm nói lên sự thật mà là muốn người đọc thấy giới chính khách chỉ ra ứng cử vì quyền lợi và chính họ biểu quyết cho hưu bổng của họ. Điều này thì đúng nhưng là chuyện khác cần phải tranh luận trong một dịp khác. 

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Who says life is fair?

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. DO MEMBERS OF CONGRESS RECEIVE LAVISH PENSIONS AFTER ONLY ONE TERM?

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Xin Đừng V

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin lại việt nhăng về một  bài Xin Đừng. Lần này là nói về xin đừng nói xấu Ngài Tổng Thống của Đệ nữa. Càng nói xấu Ngài, càng khiến Ngài thêm bực bội và khi tức tối Ngài càng đưa đất nước của chúng ta tới gần bờ vực thẳm... Sao chúng ta không khen mà cứ chê? Sao chúng ta không trấn an Ngài là Ngài sẽ đắc cử vào tháng Mười Một tới đây? Hứa đi!

Xin Đừng I
Xin Đừng II 
Xin Đừng III

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tại sao phải hứa? Thưa các Bê, Ngài đang dồn tất cả nỗ lực vào việc tranh cử (nothing wrong with it) nên Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả (dù là mạng sống của con dân) cho mục đích này (something wrong with it). 
  • Hứa đi thì may ra Ngài sẽ để tâm tới những chuyện ngoài việc tranh cử.
  • Hứa đi thì may ra Ngài sẽ không còn dựng chuyện chửi người về những chuyện nhảm.
  • Hứa đi thì Ngài mới có tâm lo về cơn đại dịch mà bao ngàn người Mỹ chết oan, chết ức!
Bê cứ hứa đi mà hứa thì phải giữ lời; chỉ cần biết là ở Mỹ chúng ta bầu phiếu kín.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tôi xin hứa và giữ lời nhưng tuổi già có nhớ đâu! 

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Nui Xào Nui

Thân chào các Bê (*),
Tối nay, chợt nhớ chuyện xa xưa thời đói kém. Những ngày đó tự dưng người dân Sài Gòn tạo cho mình những cái lạc quan tếu. Cuộc đời lúc đó thật quá khổ nên con người phải đối phó với hoàn cảnh bằng những việc, những chuyện tếu táo, châm biếm...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Lúc đó thì có cái gì bỏ vào bụng là... vui rồi. Cái mà nhà nào cũng có là bột mì và từ bột mì mình có thể đổi thành gạo, thành bún, thành sợi mì hoặc thành nui ống (Việt Nam gọi là nui chắc từ chữ nouille của Pháp). 
Bài này là nói tới nui ống trong một món ăn khá phổ thông ở miền Nam: Nui xào thịt bò. Cái khó là nui thì có mà thịt bò thì không nên Đệ mới đăt tên mới cho món này là Nui xào Nui. Cũng nui ống, cũng hành, cũng tỏi, cũng xì dầu; chỉ vì thiếu thịt bò nên chỉ có thể gọi là nui xào với nui! Dĩ nhiên là trong lúc thưởng thức món này thì người "hưởng thụ" phải có chút tưởng tượng. 

Ngày nay thì nui cũng ê hề mà thịt bò cũng không thiếu. Các Bê hôm nào làm món này thì khi ăn xin bỏ ra một phút mà nghĩ tới món tương cận: Nui xào Nui.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì lại thích nấm hơn thịt bò.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Thật Vậy, Sao? Cập Nhật I

Thân chào các Bê (*),
Lại tin tức mình! Ngài Tổng Thống của Đệ lại đưa ra một lý luận ngoài sức tưởng tượng: "Thử nghiệm (covid-19) càng nhiều thì càng tìm ra người bệnh; nên không nên thử nghiệm nhiều nữa!" Bộ hạ của Ngài thì nói là Ngài nói giỡn nhưng Ngài, cho tới nay, vẫn ngoan cường cho là lời tuyên bố của Ngài là rõ ràng (phụ chú B).

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Tại nước Mỹ thì một trong những cái nhức đầu, ưu tư của mọi người là mỗi tháng phải trả "bill" (tiền nhà, tiền xe, tiền nợ, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền Internet, vân vân...) mà họ gởi thơ tới nhà đòi mình trả. 
Cô con gái Đệ nghe Ngài TT nói như trên thì buột miệng nói: "Giống như không mở bills đòi tiền thì mình đâu có phải trả!"

Really?

Cập Nhật I: 
'I don't kid' Ngài nói là Ngài không có giỡn. 

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì thấy lý luận của Ngài... không ngửi được.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Trump defends coronavirus testing comment, says more tests make 'us look like we have more cases

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Chọn Bạn

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay phải chuẩn bị để cả toán phải làm việc xuyên cuối tuần (một năm xảy ra hai, ba lần như vầy) nên có chút rảnh vào cuối ngày sau 3 giờ chiều. Đề tài lăng nhăng ngày hôm nay thì đơn giản nhưng không kém phần cần thiết vào tuổi... sắp già.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Sắp già thì còn vấn đề gì quan trọng nữa? Ấy thế mà có đó: nhu cầu kết bạn. Bạn lâu ngày thì từ từ ra đi. Một số thì không còn hợp nữa; nên nếu không kết thêm bạn thì số bạn bè ngày càng ít mà nếu niềm vui của mình còn tỷ lệ thuận với số bạn thì nguy cơ là niềm vui sẽ giảm trong cuộc sống. Sau đây là những cảm nghĩ vụn vặt:
  • Có bạn mới thì được nghe, được đọc ý tưởng mới.
  • Có bạn mới thì sẽ có những rắc rối mới, những bực mình mới.
  • Có bạn mới thì mình sẽ được nghe than, nghe thở nhiều hơn.
  • Có bạn mới thì mình sẽ được nghe chửi đổng nhiều hơn.
  • Số người đồng ý với mình có thể tăng; nhưng chắc chắn là số người không đồng ý sẽ tăng.
Mấy tháng nay, Đệ quyết định làm một việc mà bao năm nay Đệ đã cương quyết không làm: mở rộng kết bạn qua Facebook (FB). Tại sao trong quá khứ lại "bế quan tỏa cảng" như vậy? Lý do thì không phải là chảnh chọe gì đâu; không "mở" vì càng nhiều bạn càng phức tạp. Hẳn là Bê cũng thấy: FB là nơi mọi người... xả... hơi. Thơm cũng có mà không thơm cũng không hiếm. Có những câu trong FB làm mình suy nghĩ cả ngày, thắc mắc cả đêm! Thế nên chỉ giữ FB để xem thiên hạ... múa may, quay cuồng.
Ngày nay, Đệ lại thay đổi mà kết bạn với người mới và làm sao để chung sống, mà cùng hưởng nhàn với mọi người. Sau đây là vài cách mà chúng giúp Đệ đạt được sở nguyện:
  • Trước là tạo "nhân" (có nghĩa là dè dặt kết bạn với một số bạn mà mình thích thú được kết bạn).
  • Sau đó thì duyệt danh sách do FB đề nghị mình kết bạn. Duyệt bằng cách:
    • Mỗi ngày chọn vài người để kết bạn. Một tiêu chuẩn nữa liên quan tới cái "nhân" (seeding) ở trên là chọn những người có từ hai, ba, bốn, hay năm "bạn chung" (mutual friends). Hiện nay, Đệ thường chọn người có năm bạn chung vì số bạn cũng đã tăng. Nhưng nếu Bê còn ít bạn thì chọn hai, ba bạn chung, chẳng hạn.
    • Bằng vào những bài đăng của họ (posting) và 
    • vào lý lịch (profile). Dĩ nhiên là lý lịch là do họ tự đặt chứ làm sao mình biết đúng sai!
  • Thấy hợp (hoặc trái chiều với mình nhưng lời lẽ lịch sự) thì xin kết bạn. 
  • Như nói trên mỗi ngày vài người và sẽ không buồn khi không có hồi âm. Phải biết là mình không kiểm soát được quyết định kết bạn của người khác.
Sau khi đã kết bạn thì sẽ có... hậu quả nhãn tiền! Mình bắt đầu nhận posting của bạn. Số bài đăng mà mình không thích, không hợp, cả những bài rất khiếm nhã thì Đệ có ba cách mà mình phải làm thường xuyên: 
  • Thiết định với FB là mình không muốn xem những posting của người này trong 30 ngày tới. 
  • Sau 30 ngày mà FB lại mang lại cho mình những bài đăng của người này mà họ là Vũ Như Cẩn thì mình lẳng lặng xin FB không cho mình thấy bài của họ nữa.   
  • Xin FB "o xịt" người này nếu gặp người quá sức mình chịu đựng. Thường giải pháp này khả thi khi mình có nhiều bạn.
Một chuyện nữa là có những người chơi FB (Facebooker?) dùng trang cá nhân để:
  • Quảng cáo hàng, khuyến mãi.
  • Khoe của.
  • Dạy đời.
  • Không biết tỏ cùng ai nên lên phây.
Tùy Bê, xem những trang này cũng có khi là tiêu khiển còn không thích thì Bê theo ba cách trên mà xử.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi già thường mất ngủ mà mất ngủ thì hay vào FB.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Hold your horse! Dừng Cương! Cập Nhật III

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay, ngày đầu tháng Sáu, Đệ ước sao tháng Ba, tháng Tư và tháng Năm như chưa xảy ra! Bao nhiêu cái ngớ ngẩn của lãnh đạo nước Mỹ và kết quả cho tới ngày nay là hơn 100,000 người chết vì Covid_19. 
Tuần vừa rồi là cái chết của một người da đen, George Floyd, tại thành phố Minneapolis, Minnesota. Lần này vì video clip của người đi đường mà cả thế giới thấy sự bất nhân của một số cảnh sát Mỹ (bad cops); những người cảnh sát này được gọi đến vì có người xài tờ giấy $20 giả. Vậy mà sau đó thì George bị còng tay và ba người cảnh sát dùng đầu gối đè George nằm sấp dưới đất. Ông kêu la là thở không được và sau đó đã tắt thở...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Covid_19 vẫn còn là mối đe dọa chết người nhưng tại Mỹ thì chuyện social distancing (giãn cách xã hội để ngừa lây lan) và đeo mặt mạ (face mask) không còn là mối quan tâm của người biểu tình! Những cuộc biểu tình thì như một thứ đại dịch (pandemic) thứ hai; nghĩa là khắp mọi thành phố lớn tại Hoa Kỳ, rồi thêm Anh quốc, Đức quốc. Chắc chắn là vài tuần sau số người nhiễm Covid_19 sẽ tăng! Thật đáng buồn và đáng sợ!
Trong những ngày này, phần lớn người sinh sống tại Mỹ, đều sợ hãi hoảng loạn. Kinh ngạc trước cách hành xử của người biểu tình thì một, mà kinh ngạc trước cách hành xử của giới lãnh đạo thì cả trăm.
Ông Tổng Thống thì ăn nói hàm hồ đổ dầu vào lửa và ông hăm dọa là các Thống Đốc các tiểu bang (State Governors) mà không dập tắt những cướp phá/hôi của và đốt tiệm (looting and burning) thì ông sẽ gởi quân đội liên bang đến dẹp. Đây là đề tài chính của bài này: Posse Comitatus Act (phụ chú B) không cho phép Tổng Thống Liên Bang xử dụng quân đội vào mục đích trị an nội bộ (internal security) trong nước Mỹ. Trừ những ngoại lệ trong lịch sử: 
  • Khi được Thống Đốc tiểu bang yêu cầu
  • Khi Tổng Thống cần đòi hỏi tiểu bang phải tuân thủ theo Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Cả hai thứ ngoại lệ này sẽ không có trong tình hình hiện tại. Trump cũng không dốt tới độ tưởng là ông có quyền hành này nhưng có lẽ đây là sự tính toán của ông về chính trị: ông biết là không ai muốn ông mang quân đội vào tiểu bang của mình và Thống Đốc một tiểu bang sẽ xin ông đừng vào. Khi đó ông sẽ không mang quân vào nhưng vẫn sẽ được tiếng là vị Tổng Thống của "Law and Order" (Luật Lệ và Trật Tự). 
Đa số người biểu tình muốn ôn hòa nhưng đương nhiên là có những thành phần xấu muốn bạo động và hôi của. Đây là nỗi xấu hổ của người dân Hoa Kỳ nhưng nếu quân đội và cảnh sát đàn áp người biểu tình thì họ sẽ chống trả: tình hình lúc này như lò thuốc súng không biết nổ lúc nào mà ông Tổng Thống lại thích tuyên bố hung hăng cũng như ông thích dạy đời mọi người kể cả các Thống Đốc tiểu bang.
Phụ chú C là bài báo đồn đãi là một phần của Sư Đoàn Dù 82 sẽ được gởi qua Minnesota. Đệ hy vọng là tin này là tin vịt chứ một Sư Đoàn Dù 82 mà phải đi đàn áp người dân thì thật là nhục nhã. 
Các Bê có xem loạt phim Band of Brothers của Steven Spielberg (có cả Tom Hanks) thì thấy sự dũng cảm của một toán Dù thuộc Sư Đoàn Dù 101. Hai Sư Đoàn Dù 82 và 101 là hai Sư Đoàn tổn thất nặng nề trong chiến dịch giải phóng Âu Châu trong đệ nhị Thế Chiến. Vậy mà nay ông cụ muốn gởi họ qua tiểu bang của Đệ để đàn áp dân!!!

Xin ông DỪNG CƯƠNG! Hold your horse! 

Cập Nhật I: 
  1. Phụ chú D: Bộ Trưởng Quốc Phòng phản đối việc dùng đạo luật Insurrection Act 1807 để mang quân đội (active duty military) tới các tiểu bang, kể cả Washington D.C., để dẹp biểu tình ôn hòa. Việc chống hôi của, cướp phá là của lực lượng cảnh sát trị an.
  2. Phụ chú E: Khoảng 200 binh lính thuộc Sư Đoàn Dù 82 (82nd Airborn), trong số 1,300 binh lính được gởi về Thủ Đô, đã lên đường trở về doanh trại.
Cập Nhật II: (06/03/2020)
  • Phụ chú F: Lệnh đưa lính Dù về doanh trại ở tiểu bang North Carolina đã được bãi bỏ. Có nghĩa là lính Sư Đoàn Dù 82 vẩn còn ở doanh trại gần Thủ Đô Washington D.C. Cầu mong cho quân đội (active duty troops) không phải làm việc bình định trong nước.
Cập Nhật III: (06/05/2020)
  • Phụ chú G: Lần này thì lính Dù rời Thủ Đô thật. 

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân, 

Chú thích: 
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê thì chắc thấy biểu tình, biết loạn lạc là như thế nào rồi.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài 
B. Posse Comitatus Act
G.  Army: Esper reverses plan to send active-duty troops homeArmy: Esper reverses plan to send active-duty troops hoParatroopers with the 82nd Airborne Division are leaving the D.C. region – for real this time








Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day 2020

Thân chào các Bê (*),
Thấm thoát mà lại đến cuối tháng Năm. Cuối tháng Năm, chính xác hơn thì là thứ Hai cuối cùng của mỗi tháng Năm, là bắt đầu mùa sinh hoạt ngoài trời của Bắc Mỹ và quan trọng hơn cả là ngày Tưởng Nhớ tại Hoa Kỳ (1)...

Bài đã viết về Memorial Day:
Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day
Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day--2016
Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day 2017
Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day 2018
Tản mạn về ngày Tưởng Nhớ--Memorial Day 2019

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Trước hết Đệ xin xác định là từ khi đặt chân đến nước Mỹ (1979) Đệ đã tham dự tất cả các cuộc bầu cử Tổng Thống và tất cả các Tổng Thống Đệ bầu đều là thuộc đảng Cộng Hòa (trừ hai lần).

Có thể nói là suốt đời sống của Đệ ở Hoa Kỳ là sống và tin vào những giá trị trùng hợp với giá trị của đảng Cộng Hòa (phụ chú C); cho đến khoảng năm, mười năm nay: Đệ giã từ đài truyền hình Fox News và đảng Cộng Hòa.
Lý do là Đệ cảm thấy những người lãnh đạo của đảng đã lộ rõ sự khiếp nhược, tính kỳ thị, thái độ ích kỷ của mình,... cả một trời thất vọng (phụ chú D)!

Cái này dính líu gì tới ngày Tưởng Nhớ?
Có chứ năm nay biết bao nhiêu người chết oan rồi. Chết vì dịch bệnh lan toàn cầu mà lãnh đạo chỉ nghĩ đến tiền, nghĩ đến bầu cử vào tháng Mười Một! Nói láo mỗi ngày, mỗi giờ với dân chúng là một thái độ khinh thường người dân.

Năm nay ngày Tưởng Nhớ, Đệ xin dành bài viết này mà tưởng nhớ tới người chết oan vì bệnh dịch cũng như những cái chết anh hùng của bao Bác Sỹ, Y Tá, và những người tuyến đầu (First Responders) đã thiệt mạng vì lao vào cứu chữa cho bệnh nhân cơn đại dịch. Cho đến ngày hôm nay (05/11/2020) thì số người thiệt mạng oan uổng là hơn 48 ngàn (tìm Youtube "Trump Death Clock" sẽ thấy nhiều videos nói về cái billboard này). Dĩ nhiên là không ai chứng minh chính xác là số chết oan là bao nhiêu; nhưng điều có thật là Trump đã tính sai khi cho rằng cơn dịch tại Mỹ sẽ qua đi mà Mỹ không phải làm gì.

R.I.P.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Càng lớn tuổi càng thấy nhiều điều đau đớn lòng!
(1)  After the end of the Civil War. General John A. Logan, a leader of Northern veterans, called for a nationwide day of remembrance. May 30, 1868, Decoration Day as it was first called, was designated for the purpose of decorating the graves of comrades who died in defense of their country. James Garfield, a politician and former Union general, spoke on the first Decoration Day at Arlington National Cemetery. Following his speech, 5,000 people decorated the graves of the 20,000 Union and Confederate soldiers buried at Arlington.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. 60 Lives - 60 Days - Stories of victims we've lost from COVID-19 two months since the first U.S. death.
C. Republican Party (United States)
"The GOP supports lower taxes, free market capitalism, restrictions on immigration, increased military spending, gun rights, restrictions on abortion, deregulation and restrictions on labor unions." (GOP hỗ trợ thuế thấp hơn, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, hạn chế nhập cư, tăng chi tiêu quân sự, quyền súng, hạn chế phá thai, bãi bỏ quy địnhhạn chế đối với công đoàn lao động.)

D. Witness: I'm a lifelong Republican. I'm embarrassed

E. “I love to believe that no heroic sacrifice is ever lost;
that the characters of men are molded and inspired by
what their fathers have done; that treasured up in
American souls are all the unconscious influences of
[their] great deeds.”        - James Garfield, May 30, 1868




Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Xin Đừng IV

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin lại việt nhăng về một  bài Xin Đừng. Lần này là nói về xin đừng phát âm sai. Thường thì người ta chê nhau ở chỗ phát âm sai tiếng Tây tiếng Anh. Theo Đệ thì người Việt mà không phát âm sai tiếng ngoại quốc thì mới là lạ!

Xin Đừng I
Xin Đừng II 
Xin Đừng III

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Bài này xin chỉ nói đến sai lầm khi người Việt nói... tiếng Việt!
  • Xin không nói tới sai lầm "hệ thống" (systematically incorrect) như chữ "tr" được phát âm như "ch". Đa số người miền   Bắc phát âm sai "trong" thành "chong", "trước" thành "chước", "trời" thành "chời", vân vân vì nếu chúng ta nói là giọng Hà Nội là giọng chuẩn thì chỉ cần nói là "tr" đọc là... "chờ" thì không ai dám cãi nữa.
  • Tuy nhiên xin đừng đọc "khán giả" thành "khán dã" vì "giả" và "dã" là hai chữ có nghĩa khác nhau. Mấy chục năm nay thấy xuất hiện một số quý vị nói truyền thanh/truyền hình phát âm "khán dã". Nghe mà buồn cho khả năng chuyên nghiệp của họ.
  • Xin đừng đọc là 5 Gờ (5G) mà phải đọc là "5 Gi" vì trong tiếng Việt chữ cái G đọc giống như "Gi". Chỉ đọc Gờ khi đánh vần như "O ngã õ, gờ õ gõ" (thật sự thì nên bỏ hẳn việc đánh vần; một đề tài khác trong một bài blog khác).
  • Tuy ở phần mở đầu, Đệ nói không đề cập tới ngoại ngữ nhưng có chữ Đệ muốn nói là chữ "comment" (phê  bình/góp ý/phản biện).
    Một  "bộ phận không nhỏ" người Việt thay vì dùng chữ "phê  bình", "góp ý", hay "phản  biện" lại xính dùng tiếng Anh và phát âm là "còm men".

    Xin van xin quý vị đừng phát âm như vậy nữa! 
    • Chữ comment phải phát âm là "cóm (mem/mân)" (nhấn vần trước ˈment
    • Chứ chữ "còm men" là một chữ khác: com·​mand (ra lệnh, nhấn âm sau kəˈmɑːnd)
      •  Trong phụ chú B và C có phần phát âm cả hai chữ comment and command bằng hai giọng Anh và Mỹ. Giọng gì thì chữ comment phát âm mạnh ở vần đầu.
Van xin là vì uẩn ức quá nên càm ràm với Bê vậy thôi chứ "người ta" muốn nói "còm men" thì người ta cứ nói. Đệ cũng chịu thua, thôi!

Xin cám ơn "độc dã" đã đọc hết bài này.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi già thì càng nói càng mau... mệt!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Comment
C. Command