Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

1973

Thân chào các Bê (*),
Chuyện mới đây thì không nhớ mà chuyện năm xưa lại cũng bắt đầu quên.
Tình cờ mà Đệ nghe lại một bản nhạc của năm 1973: Tu te reconnaîtras.
Năm 72 vào đại học và '72 cũng là mùa Hè đỏ lửa: chiến sự miền Nam đang sôi sục; mà cũng là năm chiến thắng của Après Toi trong cuộc thi hát EuroVision. Nhưng có lẽ Après Toi không mang một thông điệp gần gũi với thanh niên nam nữ miền Nam Việt Nam. Cho tới '73 khi mà Anne-Marie David hát bài Tu te reconnaîtras thì Đệ và bao nhiêu thanh niên nam nữ lúc bấy giờ mới cảm nhận một thông điệp về đời sống. Thông điệp này kể thì xưa cũ; nhưng cũ người, mới ta!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Cũng như những bản nhạc nổi tiếng khác của thập niên 70's, Tu te reconnaîtras có sức lôi cuốn với  thanh niên nam nữ lớn lên trong chiến tranh có lẽ là vì chúng ta vốn đã muốn tìm quên trong cái gì đó để quên đi thực tại chiến tranh đang diễn ra hằng ngày lúc bấy giờ.

Phụ chú B có nguyên bản tiếng Pháp cũng như bản dich tiếng Anh, Đệ xin liều mà dịch thoát ra tiếng Việt. Dịch thoát chứ không "mot à mot".

Bạn sẽ nhận ra chính mình


Trong những giấc mơ của tuổi thơ
Trong học sinh mà giáo viên đã trừng phạt
Trong nhà ga nơi bắt đầu cuộc phiêu lưu đầu tiên của cuộc đời
Trong ai nghi ngờ; Trong ai tin
Bạn sẽ thấy, bạn sẽ nhận ra chính mình

Mỗi khoảnh khắc trong từng niềm vui, từng giọt nước mắt
Bạn sẽ thấy, bạn sẽ nhận ra chính mình

Ở đứa trẻ, bất kể giới tính, đều giống như bạn
Trong những giấc mơ của người nghệ sĩ
Vinh quang đó không bao giờ được đăng quang
Trong thế giới ích kỷ này
Ai rồi cũng phủ nhận những gì họ yêu mến

Ở những người sợ
Ở những người lạnh
Bạn sẽ thấy, bạn sẽ nhận ra chính mình

Trong tình yêu này mà tôi dành cho bạn
Vâng, bạn sẽ thấy, bạn sẽ nhận ra chính mình

Thông điệp gì trong những lời cô đọng này? Đơn giản thôi:
  • Không chỉ những lúc hạnh phúc, vinh quang mà mình nhận ra mình. 
  • Không chỉ những lúc "ups" mà cả những lúc "downs" mà mình nhận ra cái "bản lai diện mục" của mình. 
  • Ngay cả trong nỗi sợ, cơn lạnh, bỉ cực mình cũng phải thấy mình.

Vậy, ta phải làm sao? Dễ mà khó!

  • Vị kỷ -- Phần cho mình thì mình hãy tận hưởng đời sống bỉ cực hay thái lai. Hãy nhận thức được chính mình mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh.
  • Vị tha -- Phần cho người thì mình hãy đừng gây khó cho người. Khó khăn mà mình tạo cho người góp phần định hình tha nhân.
Người Pháp hay nói "C'est la vie!" nên người Việt cũng theo mà nói: "Đời là thế!" (That is life!)
Nhưng câu nói này không hẳn là chỉ nói tới cái "vô tình" của đời; mà còn muốn nói "Đời là thế: đáng sống và đáng được (làm) tốt đẹp hơn!"

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,




Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. tuổi Bê rồi thì đã định hình định danh rồi nhưng chắc là không trễ để làm nó tốt đẹp hơn.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Tu te reconnaîtras

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Thạch, ơi!

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay lại xin tiếp tục loạt bài về những gia vị/nguyên liệu đơn giản: thạch agar (thạch làm từ rong biển, rau câu). Xin nói ngay là thạch từ rong biển khác với gelatin (làm từ collagen động vật). Gelatin cần phải để trong tủ lạnh cho lâu hư; trong khi thạch có thể không cần để tủ lạnh (trừ khi mình muốn ăn thạch lạnh).

Bài đã viết:
Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Agar có đặc tính: không màu, không vị, tan trong nước nóng nhưng đặc trong nước ở nhiệt độ thường hay lạnh (khi đặc thì tăng thể tích). Bốn tính này làm agar nghiễn nhiên thành một thành phần không thể thiếu trong nấu ăn:
  • Vì không màu nên dễ trộn màu (đa số thức ăn khác có màu).
  • Vì không vị nên dễ có vị từ thức khác trong món ăn.
  • Vì có thể dùng nhiệt để đổ khuôn (pha các thức khác với agar trong nước nóng; sau đó đổ vào khuôn) thành nhiều hình dạng khác nhau (phụ chú C).
  • Vì có thể đi từ lỏng qua đặc nên có thể dùng để "treo" những thức khác (như lát dâu, như miếng thơm). Và hơn nữa có thể tạo "lớp" với màu khác nhau.
  • Thể tích tăng khi đặc nên cũng là một tính chất hay trong thức ăn vì làm đầy bụng mà không có nhiều calories.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. CHAPTER 1 - PRODUCTION, PROPERTIES AND USES OF AGAR
C. Thạch Ăn
D. An Introduction to Agar  

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Chấm Điểm

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay Đệ xin viết nhăng về một đề tài của thời  đại mới: người tiêu dùng chấm điểm (đánh giá) người cung cấp dịch vụ (hay sản phẩm). Thí dụ như khách ăn chấm điểm nhà hàng hoặc học trò đánh giá thầy giáo, vân vân...Chấm điểm đây là chấm điểm trên mạng Internet hoặc mạng xã hội  như Facebook và người chấm điểm không phải là người sống bằng nghề phê bình.

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Thường thì người chấm điểm (NCĐ) là người đã có trải nghiệm (như đã ăn ở nhà hàng đó; như đã học qua ông/bà Thầy nào đó; như  đã mua món hàng nào đó...) với sản phẩm, dịch vụ (SP/DV). NCĐ có thể có một trong hai mục đích: hoặc là tức giận/không hài lòng với SP/DV nên viết ra để mọi người tránh vết xe đổ hoặc là thấy tốt nên muốn truyền bá trải nghiệm của mình. Dù thế nào thì NCĐ ngày nay cũng thường có đặc tính sau:
  • Không chuyên về việc đánh giá/chấm điểm; có khi không đủ trình độ. Thí dụ như mua đồ rồi không biết cách thiết định (installation/configuration), không biết cách xài nên chê...
  • Không thường dùng lý trí mà thường dùng nhiều cảm tính. Thực phẩm thường là tuỳ khẩu vị. Người nấu ăn hẳn là làm dâu trăm họ!
  • Thích thì khen tới trời; ghét thì hạ xuống đất đen * vs. ***** (1 sao hoặc 5 sao). Chấm thế nào cũng chẳng ai làm gì được mình.
  • Có thì giờ để viết vào mạng vào Facebook và thường là viết trong trạng thái phóng túng; ít nghiêm túc.
Vì NCĐ có thể có những tính chất trên nên kết quả khi lấy trung bình có thể sai lạc một cách đáng kể.

Vậy thì có nên đọc và có nên dựa vào những phê bình chấm điểm trên mạng không?

Câu trả lời ngắn gọn là... nên chứ! Nếu Bê cảnh tỉnh và thực hành những điều sau đây:
  • Đọc và đánh giá lời phê bình: có người viết khá nghiêm túc và chi tiết; có người phê bình cẩu thả, viết bừa. 
  • Phải tự mình nhận xét về NCĐ: thí dụ cũng một nhà hàng mà có cả người nghiêm túc chê và nghiêm túc khen thì sau khi tự mình đi ăn ở tiệm đó và nếu mình đồng ý với người khen thì mình có thể cho là cái goût (taste) của NCĐ này giống mình. Từ đó nếu NCĐ  này khen một  tiệm ăn khác thì mình có thể tin được (1).
  • Một bức hình là một ngàn lời (picture is worth a thousand words) nếu có hình thì Bê nên xem qua NHƯNG cũng cảnh tỉnh là hình có thể bị sửa (doctored). Có khi hình chụp thì tưởng là cái máy lớn khi mua về mới té ngửa là máy nhỏ (vì không đọc kỹ kích thước).
  • Nếu Bê đọc phải những bình luận có vẻ "thổi phồng" (tốt hoặc xấu) hoặc cách hành văn có vẻ công thức thì nên nghi ngờ là bình luận này có do "đơn đặt  hàng". Nghe nói là Bê có nhà  hàng thì sẽ có người hỏi xem Bê có muốn thuê họ viết (nhiều) bình luận dùm để nâng điểm trung bình cho nhà  hàng không.
  • Một cách nữa để chủ tiệm nâng điểm trung bình: Đệ thấy trong tiệm Nail nọ có tấm giấy đề là nếu người khách nào vào Facebook trang của tiệm đăng lời khen và chấm điểm cao thì tiệm bớt 5 USD ngay tại chỗ.
  • Phần của Bê thì nếu Bê muốn bình luận xấu về một SP/DV nào thì xin theo nguyên tắc sau: Tự hỏi mình là những gì mình viết mình có dám nói ngay mặt với người chủ tiệm không; nếu không thì ít nhất cũng phải có bằng chứng cụ thể. 
  • Chụp hình thức ăn có tóc và sâu trong các món ăn ngoài tiệm là một chiêu mà Đệ vẫn cứ suy nghĩ là nên hay không! Có một tiệm hải sản ở Quận Cam (Orange County, CA) mà BB và Đệ lần nào về California cũng đến. Cho tới ngày thấy một tấm hình chụp từ tiệm này cho thấy một con sâu trong dĩa đồ xào!!!
  •  Phụ chú  B và C là hiện tượng ngày càng phổ biến và là phương pháp dân chủ khi được xử dụng đúng đắn. Ba mươi năm trước đây tại trường đại học của Đệ (UCSD) đã có bản chấm điểm thầy cô như vậy (dạng cuốn sách nhỏ) trước mỗi khoá học. 
  • Phụ chú D-F là những trang mạng cho phép người dùng đánh giá SP/DV.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên gia đình và người thân.
Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Đi thì hỏi già (có nhiều trải nghiệm) về nhà thì hỏi trẻ (thường ngây thơ).
(1) Mạng Yelp.com có cho biết NCĐ đã bình luận những SP/DV nào. Thí dụ sau cho thấy NCĐ này đã có 1483 bài phê bình/chấm điểm cũng như đã là "Elite" từ năm 2019.


Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Rate My Professors
C. Học sinh THPT ở Sài Gòn 'chấm điểm' thầy cô
D. 50 stats that show the importance of online reviews
E. Top 10 Review Websites to Get More Customer Reviews On (2018)
F.  25 Customer Review Sites for Collecting Business & Product Reviews