Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Hoa Kỳ - Hưu Ở Đâu Có Lợi Về Thuế?

Thân chào các Bê (*),
Năm mới sắp đến và nhiều Bê sống tại Hoa Kỳ sẽ về hưu trong năm 2016. Chúc mừng các Bê!
Bài này cũng là viết lăng nhăng mong là Bê đọc "with a grain of salt" (ý người Mỹ là đọc nhưng gia giảm gia vị, chứ đừng cả tin, cho hợp lý/hợp tình). Vấn đề, về hưu thì chuyển đến nơi ở mới; có thể là tiểu bang khác vì không còn bị ràng buộc bởi chỗ làm, chắc là không mấy Bê muốn đọc và biết thêm vì các Bê sẽ nói:
"Vớ vẩn! Con cái ở đâu thì mình ở đó chứ chọn với lựa gì nữa!"
Đệ cũng biết là không phải dễ gì mà dời đi tiểu bang khác, được đâu. Còn biết bao thứ phải tính phải lo....

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Nếu Bê đã có chủ định rồi thì... trên cả tuyệt vời rồi; nhưng có lẽ biết thêm về cách đánh thuế khác nhau, của các tiểu bang Hoa Kỳ, cũng đâu có hại gì, n'est ce pas?
Đặc biệt là các tiểu bang Hoa Kỳ có khá nhiều tự quyết trong việc hành chánh/quản trị việc của tiểu bang; mà vấn đề thuế tiểu bang và vấn đề an sinh của cư dân lại là trọng trách của tiểu bang nên mỗi tiểu bang mỗi khác trong việc thuế cho người hưu viên. Tại sao không tìm nơi có lợi nhất cho mình?
Con đường băng biển gian nan, hiểm nguy là vậy mà có Bê đã làm được thì chuyện chuyển tiểu bang về quê mới mà nhằm nhò gì! Bê sẽ nói: "Đó là hồi còn trẻ và cũng nhờ ơn..." Dạ đúng, nhưng chuyển nơi ở tại Hoa Kỳ cũng không khó khăn dữ vậy đâu. Khó là tại Bê bị ràng buộc bởi cái này, cái kia thôi.

Có bài này vì hưu viên tại Hoa Kỳ thường hỏi (mà không biết hỏi ai và bắt đầu từ đâu) là tiền An Sinh Xã Hội (ASXH) có phải đóng thuế không. Thuế liên bang, thuế tiểu bang? Dạ thuế liên bang thì xin đề cập nơi khác: Tiền Hưu và Thuế; bài này xin tập trung vào thuế tiểu bang. Mỗi tiểu bang sẽ có câu trả lời... hơi khác nhau!!! Trả lời có hoặc không cho người ta tính, có phải là đơn giản không? Nếu tiểu bang nào cũng "yes or no" thì Đệ còn viết cái gì đây!!! Trong 50 tiểu bang Hoa Kỳ chỉ có một bang là không đánh thuế ASXH.
Xin Bê mở cái đường dẫn Bản Đồ Thuế Tiểu Bang cho Hưu Viên: Retiree Tax Map. Bản đồ này tô mầu cho các tiểu bang Hoa Kỳ. Có 10 tiểu bang mà Kiplinger cho là "tax-friendly" cho người hưu viên mầu xanh (10 Most Tax-Friendly States for Retirees -- 2014 Rankings):
  1. Alaska
  2. Wyoming
  3. Nevada
  4. Georgia
  5. Arizona
  6. Mississippi
  7. Delaware
  8. Louisiana
  9. South Dakota
  10. Florida
 Trong danh sách này có lẽ là số 8 và số 10 là tiểu bang có đông Con Rồng Cháu Tiên thôi. Không quá ngạc nhiên khi không thấy California, Oregon, Washington (State), Texas, Minnesota, Maryland, Washington D.C., Michigan, vân vân trong danh sách này. Tuy nhiên trước khi khăn gói bồng bế (cháu; chứ con thì chắc đã lớn) nhau di dời về các tiểu bang trong danh sách này thì Bê nên đọc 6 Tax Factors to Consider When Picking a Retirement Destination. Sáu đề mục Bê phải cân nhắc là: (Đệ không biết gì về thuế nên Bê phải tự nghiên cứu hoặc nhờ con cháu nó giúp giùm. Đừng có mà nghe Đệ rồi sau này đổ thừa nghe!) (1)
  1. State income tax -- Bảy bang không có thuế lợi tức tiểu bang (thuế liên bang, Federal tax là chuyện khác):  Alaska, Florida, Nevada, South Dakota, Texas, Washington và Wyomin. New Hampshire và Tennessee chỉ thuế trên tiền lời từ lợi tức trên giới hạn nào đó. Tuy nhiên không có thuế lợi tức tiểu bang thì thường là Sales Tax và Properties Tax lại cao; nên tùy hoàn cảnh mỗi người.
  2. Taxes on retirement-plan distributions -- Có tiểu bang ưu đãi nhân viên làm cho liên bang, quân đội và nhân viên làm cho tiểu bang nên không có thuế trên tiền hưu...Có tiểu bang còn miễn cho cả IRA và 401(k)... Ngược lại có tiểu bang đánh thuế tất cả tiền hưu bổng.
  3. Taxes on Social Security benefits -- Thuế liên bang thì tiền ASXH có thể bị thuế trên số tiền 85% tổng số ASXH. Còn tiểu bang thì có một số tiểu bang bắt đầu giảm hoặc ngưng đóng thuế trên tiền ASXH. Ở đây, Đệ chỉ biết đại cương như vậy, còn khi Bê muốn biết chi tiết hơn thì phải tự tìm hiểu với tiểu bang nào mình chọn.
  4. Sales taxes -- Ái dà, đây là vấn đề không nhỏ! Thuế tiêu thụ có thể chiếm khoảng lớn trong số tiền hưu của Bê. Không những tiểu bang mà cả thành phố, quận huyện cũng muốn dự phần vào thuế tiêu thụ. Như trong số 1 ở trên, tiểu bang không đánh thuế lợi tức tiểu bang thì thường phải bù vào công quỹ bằng cách tăng thuế tiêu thụ!
  5. Property taxes -- Giống như thuế tiêu thụ ở số 4, tiểu bang không có thuế lợi tức có thể có thuế bất động sản (BĐS) cao. Kiplinger nêu ra hai yếu tố về thuế nhà cửa này: phần trăm bị đánh thuế (asset percent) và phần trăm mức thuế (tax rate percent). Thí dụ BĐS trị giá $100,000 nếu chỉ đóng thuế trên 50% giá trị ở mức thuế 5% thì số thuế là $2,500. Trong khi nếu phải đóng thuế trên 100% giá trị nhưng ở mức thuế 2% thì số thuế là $2,000 (ít hơn $500).
  6. Estate and inheritance taxes -- Bê không phải lo nếu tổng số tài sản (estate value) dưới 5,43 triệu đô vì thuế thừa hưởng liên bang chỉ áp dụng cho người có nhiều hơn số tiền đó. Nhưng có tiểu bang bắt đầu tính thuế thừa hưởng tiểu bang dưới con số 5,43 triệu đô. Có tiểu bang bắt người thừa hưởng đóng thuế trên tài sản thừa hưởng nữa! Bài học: chọn chỗ táng huyệt cho đúng phong thủy không quan trọng bằng chọn tiểu bang nào ít thuế thừa hưởng nhất.
Còn một chiêu nữa khá thịnh hành mà hưu viên có thể làm: ở nhiều tiểu bang trong năm và chọn một trong các tiểu bang trên là chỗ ở chính. Bê cần nên coi thêm là nhà nước định nghĩa "chỗ ở chính" cho hưu viên là gì. Thời gian không ở tiểu bang gốc thì đi du lịch, đi thăm con cháu, vân vân... Đây cũng là cách tránh tuyết... trên cả tuyệt vời.

Chúc Bê một cuối tuần vui vẻ với gia đình.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê về hưu thường muốn nghĩ là mình không là gánh nặng cho người khác và mình đã làm xong bổn phận công dân của mình là đã đóng thuế đầy đủ khi còn đi làm. Về hưu rồi mà còn bắt đóng thuế thì đúng là... không "fair"!
(1) Đổ thừa là không được đâu! Đổ vừa đủ thì được. Đổ vừa đủ là khi đọc mà thấy hay thì khi gặp Đệ thì rủ đi uống cà phê, chẳng hạn.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài
B. Bài về hưu trí:



Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Giới Thiệu Thanh Hà/Oliver Bellamy/Franz Schubert

Thân chào các Bê (*),
Bây giờ đã gần 3 giờ sáng ngày 24 tháng 12 mà Đệ làm gì trong phòng làm việc trước máy tính? Thì viết blog chứ làm gì! Chuyện là đã đi ngủ rồi nhưng lại tỉnh giấc khi bài Ave Maria lại vang vảng bên tai. Ủa mà trước khi đi ngủ (như thường đêm) Đệ nghe radio đài RFI chứ có nghe nhạc đâu...


Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Nghe ra là tiếng Xướng Ngôn Viên Thanh Hà ở đài Pháp Quốc Quốc Tế (RFI, Radio France Internationale) đang nói về Franz Schubert. Tình cờ mà Đệ viết về Ave Maria -- Mẹ Đầy Ơn Phước (cập nhật) ngày 10 tháng 12 thì Thanh Hà có bài về Schubert ngày 23 tháng 12.
Đúng hơn là Thanh Hà điểm sách và cuốn sách là của tác giả Oliver Bellamy, Un Hiver avec Schubert (Trải qua mùa đông cùng nhạc sĩ Schubert, nhà xuất bản Buchet Chastel).
Bài blog này xin được giới thiệu với các Bê bài điểm sách của Thanh Hà nói về cuốn sách của Oliver Bellamy viết về Schubert: Mùa đông buốt giá cùng nhạc sĩ Schubert.

 Vụn vặt

  • Từ nhiều năm nay, Đệ vẫn thích nghe đài RFI mỗi đêm trước khi đi ngủ. Thường thì ngủ thiếp đi trong khi nghe. Đêm nay cũng không ngoại lệ. Chỉ khác là thay vì ngủ lại thì đêm nay lại "bò" qua phòng làm việc để giới thiệu Thanh Hà và Mùa đông buốt giá cùng nhạc sĩ Schubert. Bài thật hay với giọng đọc rất chuyên nghiệp của Thanh Hà. 
  • Nói về Schubert thì bài lần trước chỉ chú trọng nói về Ave Maria. Hôm nay, ngoài việc giới thiệu bài đọc của Thanh Hà, Đệ xin nói thêm một chi tiết về Schubert: Schubert chính là một trong những nhạc sỹ sáng tác mở đầu cho thời kỳ Lãng Mạng (Romantic Era) trong lịch sử âm nhạc (trước đó là thời kỳ Cổ Điển, Classical Era).
  • Nghe Thanh Hà để thấy "Tây" phát âm tên Beethoven là "Bê Tồ-vờ" chứ không như "U" (trong USA) phát âm là "Bê Tô Vân". Có cần phải nói ra đây không? Dạ... cũng cần vì ngày xưa bà chị của Đệ dạy cho Đệ đọc là "Bê Tồ-vờ" bây giờ mới biết là Đức đọc như sau: [prononcé en allemand [ˈluːt.vɪç fan ˈbeːt.hoː.fən] Prononciation du titre dans sa version originale Écouter (theo Wikipedia). 
Chúc các Bê một Giáng Sinh hạnh phúc bên người thân. Tiện đây xin gởi dến Bê hình Bûche de Noël, bánh thì Big Boss (BB) làm còn rượu thì cô con gái rượu sưu tầm:



Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Tuổi Bê rồi thì thức lúc nào thì thức! Ban ngày muốn ngủ (gục) thì cứ ngủ!

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.


Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Giáng Sinh Dưới Giao Thông Hào - Sửa đường dẫn

Thân chào các Bê*,
Thế kỷ 20 với biết bao phát minh mang lại lợi ích cho nhân loại và sự tiến bộ vượt bực về Y khoa và Công nghệ. Nhân loại đã mang được con người lên Mặt Trăng cũng trong thế kỷ này. Nhưng có lẽ nói tới thế kỷ 20, mà Bê và Đệ được sinh ra, thì ta không khỏi nghĩ tới những chiến tranh khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của triệu triệu người. Bài này không có mục đích phân tích lỗi phải và ai đúng ai sai/ai khùng ai điên. Và Đệ xin minh định mình mãi là con dân lớn lên trong miền Nam và hãnh diện với những đóng góp tích cực của thể chế Việt Nam Cộng Hòa...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề....

Giáng Sinh Dưới Giao Thông Hào

Chuyện xảy ra cách đây là hơn 101 năm: Thế chiến thứ nhất giữa phe Trục (Central Powers) và phe Đồng Minh (Allies) bùng nổ năm 1914. Tháng 12 năm 1914, ngay đêm Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12 năm 1914) tại chiến tuyến giữa quân Anh và quân Đức (nhằm chận đường tiến quân cùa Đức về thủ đô Paris, Pháp) một hiện tượng tự phát giữa chiến trường mà cho tới ngày nay vẫn còn là một đề tài đáng nghiên cứu trong các lãnh vực quân sự, xã hội học, và cả về "game theory": quân Đức tại mặt trận muốn đình chiến để liên hoan Giáng Sinh và quân Anh đã đồng ý. Bê để ý là Đệ dùng chữ "quân" ở đây để nói lên là "lính" hai bên bầy ra chuyện này trước và sau đó các sỹ quan hai bên không biết làm gì để ngăn cản nên phải thuận theo. Chuyện xảy ra như cơn mê sảng của những người lính đã quá cơ cực trong giao thông hào ngập nước trong mùa Đông giá lạnh, bệnh tật, thương vong và đói khổ. Truyền thống Giáng Sinh lại là truyền thống của cả hai bên: mùa Chúa sinh ra đời mang lại hy vọng và niềm tin cho nhân loại. Lính cả hai bên đều nhận ra thực tế chém giết nhau là cực kỳ quái dị. Hiện tượng lính hai bên nhào lên khỏi giao thông hào và gặp nhau cũng như chia sẻ bia/thuốc lá/bánh ngọt với nhau tại "no man land" (vùng đất giữa giao thông hào của hai bên; thường thì vào vùng này là bị bắn chết) lan ra suốt dọc đường giao thông hào, 27 dặm, do quân Anh đảm nhiệm. Bê muốn đọc chi tiết thì xin vào Christmas in the Trenches, 1914. Như cơn mê sảng là vì chiến tranh tiếp tục sau đó và kéo dài hơn 4 năm. Tình cảm bộc phát đó bị cả hai phe trấn áp và tham vọng chính trị/quân sự của cả hai bên đã mang lại bao tang thương chết chóc mà chúng ta đã biết: World War I Facts for Kids.  

Phiếm 

Không biết nếu mà bà Ngoại (hoặc bà cố Ngoại) của Helene Fischer mà ra chiến tuyến hát Đêm Thánh Vô Cùng năm đó, thì chắc quân Đức đã rã ngũ và Thế chiến thứ nhất có thể đã chấm dứt năm đó, không? Tiếc là chỉ đúng một trăm năm sau điều đó mới xảy ra vào đêm Giáng Sinh Helene Fischer "Heilige Nacht" Một trăm năm quá trễ! Mà nhân loại thì vẫn thưởng thức và thổn thức với Ave Maria và O Holy Night nhưng chém giết nhau thì vẫn là nhân danh... một cái gì đó!

Đó là 1914, đến 1972 vì nhu cầu "kết thúc chiến tranh", Tổng Thống Hoa Kỳ, Richard Nixon, ra lệnh ném bom Hà Nội vào ngày 18 tháng 12 (Nixon announces start of “Christmas Bombing” of North Vietnam). Ném bom vào mùa Giáng Sinh? Ông có điên thì cũng điên vừa vừa thôi chứ! (1). Đệ đã từng đêm đêm tỉnh giấc khi nghe tiếng pháo kích vào thủ đô Saigon nên Đệ không bênh gì miền Bắc nhưng về chính trị thì quả là thất nhân tâm khi ném bom vào thủ đô quân địch vào mùa Giáng Sinh.

Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân và một Giáng Sinh an lành.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Không biết Bê thì sao chứ Đệ vẫn nhớ những cái hang đá trong các nhà Thờ và trường học ở Việt Nam.
(1) Đúng ra thì Đệ muốn dùng chữ "ngu" thay vì chữ "điên".

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Ice Wine-Eiswein-Vang Đá

Thân chào các Bê*,
Tháng Giêng năm 2015, Đệ nhận được thơ luân lưu (distributed email) của Natalie MacLean. Thơ giới thiệu về Ice wine của xứ sở Canada; một đề tài mà Đệ cũng đã muốn viết từ lâu. Hôm nay mới có ít thì giờ "phiếm loạn".  Eiswein, Ice wine, Vin de glace, hay Đệ gọi là Vang đá là gì? Dạ Vang đá là rượu vang được làm từ nho nhưng phải theo tiêu chuẩn rất khó khăn và khắc nghiệt. Và từ sự khó khăn đó cũng như tính rủi ro cao khi đầu tư vào việc sản xuất nên giá thành rất cao so với rượu vang khác.Vang đỏ, Vang trắng hay Vang hồng (Rosé) thì chắc là ai cũng biết. Vang đá thì chỉ bắt đầu phổ biến tại Bắc Mỹ sau 1975...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Lich sử Vang đá bắt nguồn từ thời rất xưa tại Âu châu cổ. Bê nào thích lịch sử thì vào wikipedia mà  đọc (tiếc là chưa có tiếng Việt cho bài này). Gần hơn là truyền thuyết Vang đá được "khám phá lại" (rediscover) từ các Cha trong dòng tu ở Đức: mùa Đông đến mà Cha bề trên đi xa chưa về... Mọi năm thì Cha bề trên cho lệnh gặt hái thì nhà dòng mới được hái nho. Năm đó, nho chín rồi mà đành phải để phơi tuyết sương ngoài đồng vì không ai dám tiếm quyền người vắng mặt. Khi có lệnh của Cha bề trên thì nho đã đông đá. Eiswein được các Cha người Đức khám phá, thưởng thức và sản xuất từ đó. Đó là vài thế kỷ trước. Cuối thế kỷ 20 và đầù thế kỷ 21 thì chắc nói tới Ice wine thì là phải nói tới xứ Cà (Canada); đặc biệt là miền Đông xứ Cà (vùng Ontario). Tuy nhiên nhiều vùng tại Hoa Kỳ cũng có sản xuất Vang đá.

Tiêu Chuẩn

Cái khó khăn của Eiswein (Vang đá Đức) là tiêu chuẩn phải tuân thủ để được mang tên Eiswein là nho chín phải để ngoài đồng cho tới khi nhiệt độ xuống dưới −7 °C (19 °F) mới được hái vào--thường là ban đêm gần sáng và chỉ có mấy tiếng đồng hồ để gặt hái. Hái xong là phải ép lạnh ngay đêm đó. Đầu tư vào sản xuất Vang đá rất nhiều rủi ro: mất mùa nho, thời tiết không lạnh đủ, súc vật phá hoại, nhân công khan hiếm vì điều kiện làm việc khắc nghiệt và ngắn hạn. Cơ sở sản xuất phải có máy cán ép nho loại tốt, vân vân... Nho chín, hái rồi mới làm lạnh nhân tạo trong nhà (cryoextraction) không được mang nhãn Eiswein, thường có tên là "icebox wines"; hơn nữa luật Đức cấm nhập cảng vào Đức các loại Vang không đúng tiêu chuẩn này.

Xứ Cà thì cũng có tiêu chuẩn tương tự; nhưng phải lạnh dưới −8 °C (17 °F). Hơn nữa chọn rượu xứ Canada này thì nên chọn rượu có nhãn cầu chứng tại tòa Vintners Quality Alliance (VQA). Gần đây, Vang đá Canada với nhãn VQA rất thịnh hành trên thế giới (xin xem thêm phụ chú B và C).

Đặc Tính 

Đặc điểm nổi trội của Vang đá là ngọt rất thơm. Các giống nho được dùng để làm Ice wine thường là  Riesling, Vidal, Gewurztraminer and Cabernet Franc. Truyền thống thì Vang đá được liệt kê là rượu tráng miệng (dessert wine)--dùng chung với bánh ngọt cuối bữa ăn. Rượu ngọt, bánh ngọt, get it? Tuy nhiên gần đây với sự đa dạng của các loại Vang đá, MacLean cho rằng Ice wine có thể uống vào mọi lúc trong bữa ăn. Ngọt nhưng độ cồn lại không cao lắm. Thơm hơn Vang khác vì khi chín (trên cây) rồi bị đông đá nên mật nho (nectar, must) rất đậm đặc.

Ai tiêu thụ Ice wine?

Theo MacLean thì con Trời (Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore)  tiêu thụ nhiều Vang đá nhất thế giới. Con Trời vốn chuộng rượu mà rượu đắt tiền nên cũng không phải là một ngạc nhiên lớn. Vang đá thì là mắc tiền rồi: 8 pounds (khoảng 4 kilograms) nho làm được một chai "nửa" (chai 375ml, còn được gọi là "half-bottle"); với cùng số lượng nho có thể làm 6 chai 750ml (chai "full bottle"). Có nghĩa là làm được 12 chai half bottle Vang thường. Giá cả? Ice wine giá trung bình là khoảng $40 tới $50 (USD) một chai nửa (375ml). Loại chai nhỏ này thì hai ba người uống... không đủ!

Phiếm

Dạ Đệ không uống Ice wine nhiều nữa vì lượng đường khá cao. Nhưng phải nói là mùa Đông Bắc Mỹ, ngoài thì trời đổ tuyết, trong thì mùi thơm bánh nướng, không khí Giáng Sinh/Năm Mới, gia đình, người thân và bạn bè mà mở vài chai Inniskillin thì còn gì để nói nữa! (1)

Nào cùng nâng ly, chúc mừng Giáng Sinh và một Năm Mới đầy an lành, hạnh phúc!

Thân,


Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ.
Các Bê phải cẩn thận với đồ ăn thức uống có nhiều đường nhưng không phải là không được dùng chúng với số lượng vừa đủ. Cái khổ là số lượng vừa đủ lại thay đổi theo mỗi người, nên phải cẩn thận, nghe!
(1) Tên hãng sản xuất Ice wine thì rất nhiều. Tùy Bê thôi. Nên chọn chai nào có nhãn VQA (Canada), hoặc được liệt kê là Eiswein (Đức). Đệ thì thích Inniskillin hoặc Jackson Triggs nhưng tùy khẩu vị của Bê mà mua thử.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.
B. Best Canadian Icewine from Natalie MacLean's youtube video
C. Best Canadian Icewine from Natalie MacLean's web page with text.
D. Facts about Icewine from About.com
E. Ice wine is called 'nectar of the gods'

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Ave Maria -- Mẹ Đầy Ơn Phước (cập nhật 4)

Thân chào các Bê (*),
Tối hôm nay tình cờ nghe lại bài Ave Maria của Franz Schubert mà hoài cảm về một đời người. Schubert từ giã cõi đời năm 32 tuổi nên cũng gọi là trẻ nhưng sự nghiệp âm nhạc thì quả là không nhỏ. Theo wikipedia thì Mendelssohn, Schumann, Liszt,  Brahms và nhiều nhạc sỹ sáng tác (composers) của thế kỷ 19 đã phổ biến những công trình của Schubert, sau khi ông qua đời. Bài này thật ra không viết về Schubert mà Đệ chỉ muốn "bàn" loạn về bài Ave Maria. Từ khi qua Mỹ, Đệ cứ muốn tìm hiểu thêm về bài này. Một bài nhạc đã từng nghe ở Việt Nam mà không biết của ai sáng tác và cứ đinh ninh là nhạc Nhà Thờ.

People look at the gutted remains of Russian military vehicles on a road in the town of Bucha, close to the capital Kyiv, Ukraine. Photograph: Serhii Nuzhnenko/AP

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Cho tới một ngày Đệ đã biết là bài này do Schubert sáng tác; nhưng rồi thì cũng xếp nó vào trong ký ức, quên đi để còn lo những "chuyện lớn" như học hành, đi làm, bảo lãnh vợ con, vân vân... Tối nay, tình cờ nghe lại bài này, mới "bò" qua phòng làm việc để nghe thêm các người khác hát Ave Maria và đi tìm lời hát (Chú thích 1).

Nếu Bê chỉ muốn (hoặc chỉ có thì giờ) nghe một phiên bản thì nên nghe Ave Maria. Rất tiếc là gần 40 triệu lượt coi trên Youtube mà không ai biết ai hát!!! [[ Cập nhật: người hát là Barbara Bonney]] Bài được hát bằng tiếng Áo (tiếng Đức). Còn bản tiếng La Tinh thì Đệ đề nghị Ave Maria - Luciano Pavarotti. Ai thích Bocelli thì đây: ANDREA BOCELLI (HQ) AVE MARIA (SCHUBERT). Nhưng Bê ơi, nói tới giọng nam cao (tenor) mà không nói tới Domingo thì thật có lỗi: Plácido Domingo - Ave Maria - By: Schubert phiên bản này có lời La Tinh trên màn hình nên dễ theo dõi. Đệ thích cả Pavarotti và Domingo (hơi tham nhưng... kệ!)
Còn nữ cao (soprano) thì sao? Nữ thì Đệ đã nói ở trên với người ca sỹ vô danh, ngoài ra thì nữ danh ca Celine Dion có phiên bản tiếng Anh thật độc đáo: Celine Dion: Ave Maria-- With Lyrics.

Bê muốn nghe thêm không? Thêm vài bài, nghe! Ok! Khi nghe các phiên bản kể trên, Đệ cứ nghĩ bài này mà trình tấu (không hát) chắc cũng sẽ rất hay.
Nhạc khí nào, nhạc khí nào? Piano? Piano thì đệm bài này chứ trình tấu mà diễn đạt được tới nơi tới chốn thì... (theo Đệ) phải là hồ cầm. Mà phải là trung hồ cầm (cello; đọc là "che lô") mới được. Không tin? 
Thì Bê thử nghe Cello: Jian Wang playing Schubert Ave MariaCello: Alexandra Moiseeva playing Ave Maria F. Shubert. Nói tới cello mà không nói tới sư tổ Yo Yo Ma thì Đệ cứ ấm ức... tìm mãi mới thấy Yo Yo Ma chơi bài này Ave Maria, Op. 52, No. 6 (Ellens Gesang III from "Ein Fräulein vom See") -- tiếng dương cầm của Kathryn Stott.
Thế ngoài cello thì nhạc khí nào hợp với bài này? À có. Sáo Tây (flute) cũng là hay. Thử nghe? Flute: Ave Maria (Ellen's Third Song) (Schubert) By Bevani (phiên bản này nghe mà nhắm mắt thì không bị chia trí!)

Điều cần để ý là Bach và Guonod cũng có bài Ave Maria và bài này cũng rất hay. Pan Flute: Daniela de Santos Ave Maria live. Bonus cho Bê: Yo-Yo Ma & Bobby McFerrin - Ave Maria (Bach & Guonod).


[[Cập Nhật: Có mấy đường dẫn không có trong ấn bản version 1. Xin cập nhật vì có người yêu cầu nhưng cũng xin phiếm vì sao các đường dẫn này "did not make version 1". Tất cả cảm nghĩ dưới đây chỉ là ý kiến của riêng Đệ.

  • Ave Maria với Piano: Lang Lang - Ave Maria. Lý do: tiếng dương cầm, theo ý Đệ, không "tới nơi tới chốn" mà Đệ muốn đến. Lang Lang đàn bản này thì không thể chê được nhưng nơi chốn mà Lang Lang dắt ta tới là lời cầu xin pha lẫn sự mạnh bạo của tiếng dương cầm. Theo Đệ Liszt đã đẩy bài này tới điểm gào thét thay vì van xin (phút 4'30" trở đi). Một lần nữa, đây chỉ là cảm nhận cá nhân. Bê không đồng ý, phải không. Phải công nhận là kỹ thuật "chạy ngón" của Lang Lang: không chê vào đâu được!
  • Ave Maria với Violin: David Garrett Ave Maria. Có lẽ Garrett chơi bài này đã đưa bài này lên đến tột đỉnh và công của Garrett đã giới thiệu Ave Maria tới nhiều người ít muốn nghe lại nhạc xưa. Lý do (không có trong ấn bản 1) là vì Garrett chơi violin mà rất giống chơi Cello (ngoại trừ khúc cao trào). Nói về David Garrett thì nguyên một bài cũng không hết. Đệ xin khất vào một dịp khác.
  • Ave Maria với tiếng hát từ châu Á: Tiếng hát của Sumi Jo - Ave Maria (Schubert) Hay nhưng quá kỹ thuật! Nói về người Soprano Hàn này thì nguyên một bài cũng không hết. Đệ xin khất vào một dịp khác.
  • Ave Maria với lời Đức: Helene Fischer! Helene Fischer!!! Biết nói gì với giọng ca và dáng vóc quá tuyệt vời của Fischer? Không có gì để chê mà hơn nữa khen còn không hết! "Not made version 1" vì lời ca trong phiên bản này (cũng tiếng Đức) không phải là lời nguyên gốc. Helene Fischer - Ave Maria (German Version - Franz Schubert) So what? Bê sẽ hỏi. Dạ Đệ cũng không quan tâm lời nguyên gốc hay lời mới vì Đệ có biết tiếng Đức đâu! Fischer đã thuyết phục được Đệ là tiếng Đức cũng là tiếng của âm nhạc.]]
[[Cập Nhật 2: Thật là lần đầu tiên mà Đệ phải cập nhật nhiều lần một bài blog. Xin Bê thứ lỗi cho !
  • Không nói tới tiếng ca Khánh Hà với kỹ thuật run... rất điêu luyện thì thật cũng thiếu xót: AVE MARIA - KHÁNH HÀ ( Lời Việt ).Video này có trình bầy (Power Point presentation) rất đẹp.
  • Lời cầu xin lặng lẽ thì chắc phải nói tới tiếng hát Lệ Thu: Ave Maria (Lời Việt Phạm Duy) - Lệ Thu. Lặng lẽ cầu xin nên người nghe có thể thưởng thức video có trình bầy (Power Point presentation) rất đẹp.
  • Tiếng hát vượt thời gian của ca sỹ Thái Thanh: Thái Thanh - Ave Maria. Xin Bê cứ nghe đã. Theo Đệ thì nếu Bê cho bất cứ ca sỹ Việt nào khác x điểm thì Bê phải cho Thái Thanh x+3 điểm. Tiếc là thời cực thịnh của Thái Thanh thì kỹ thuật thu âm và nghệ thuật hòa âm chưa được như bây giờ!
  • Cập nhật trước có nói tới Helene Fischer thì cập nhật này xin giới thiệu một giọng ca Ái nhĩ lan: Celtic Woman - Ave Maria. Chloe Agnew hát bài này có lẽ hay hơn Barbara Bonney, theo ý Đệ.Nhưng nếu Bê đã thích Bonney thì cứ thích thôi (Đệ thì hay đổi ý thế đấy!)
  • Ở đây lại xin chuyển "tông" sang một bài Ave Maria khác của Linh Mục Huyền Linh: Ngọc Hạ in Ave Maria Con Dâng Lời PBN Gloria I. Bài này đặc sắc và hoàn toàn Viêt Nam.] 
    Đã tìm được bài Ave Maria do Ngọc Hạ hát.
Chúc các Bê một cuối tuần vui vẻ bên người thân.

Thân,

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê chắc là đã trải qua không biết bao nhiêu chiến thắng cũng như thất bại trong đời. Thắng hay bại thì cũng là đau khổ: một cho người và một cho mình. Ora pro nobis, Ora, ora pro nobis peccatoribus. Nunc et in hora mortis. Ave Maria! 

(1) Lời ca:
Ave Maria
Gratia plena
Maria, gratia plena
Maria, gratia plena
***
Ave, ave dominus
Dominus tecum
Benedicta tu in mulieribus
Et benedictus
***
Et benedictus fructus ventris
Ventris tuae, Jesus
Ave Maria
***
Ave Maria
Mater Dei
Ora pro nobis peccatoribus
Ora pro nobis, Ora, ora pro nobis peccatoribus
***
Nunc et in hora mortis
Et in hora mortis nostrae
Et in hora mortis nostrae
Et in hora mortis nostrae
Ave Maria

Nguồn: http://www.songlyrics.com/franz-schubert/ave-maria-lyrics/

Lời thì không có gì đặc biệt nếu Bê nào theo đạo Công Giáo thì lời rất quen thuộc như lời kinh:

 "Đức Mẹ đầy ơn phúc...  
Cầu cho chúng con,  người tội lỗi... 
Bây giờ và trong giờ lâm tử...

Mà quả thật lời của bài này là lời cầu nguyện của Ellen Douglas, một nhân vật trong trường thi (epic poem) The Lady of the Lake của nhà thơ Walter Scott mà Schubert phổ nhạc. Ôi mà Bê nào muốn tìm hiểu về gốc gác của bài này thì xin vào wikipedia (có Tiếng Việt và Français nữa) tha hồ mà đọc.

Phụ chú:
A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.

 

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Loop Station - Kỹ Thuật và Âm Nhạc

Thân chào các Bê (*),
Hôm nay xin lại lan man vào một lãnh vực mà Đệ không biết bao nhiêu. Đệ mà không làm chuyện này thì... mới là lạ, đúng không Bê? Kể ra thì bài này là vì nó có liên quan tới máy tính chuyên biệt (specialized computer) và âm nhạc. 
Cái máy loop station này không giống các máy tính mà Bê thường thấy như computer, laptop, tablet, phablet, smartphone: loop station có thể cho là sự tiến hoá của cái hộp, effects pedal, dưới chân người chơi guitar điện(1). Nhưng sự khác biệt là cái effects pedal dùng để tạo và biến đổi âm thanh bằng cách gây rung (vibrate) hoặc gây vang (echo) còn cái loop station được dùng như sau: 
  • máy thâu (recording) và phát âm thanh/âm nhạc (playing back) cùng một lượt và có nhiều "kênh" (channels)
  • mỗi channel có thể "loop": chơi lại cùng một "câu nhạc" (musical phrase) nhiều lần
  • mỗi channel còn có thể "chồng câu" (phrase stacking) tạo ra những hợp đoạn phức tạp. 
 Viết như vậy thì  Bê sẽ nói: "Ối giời ơi! chả hiểu ông này nói cái gì cả!" (2).  

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...
Từ khá lâu nay, Đệ nhận ra một điều là các kỹ sư cứ cố gắng một cách điên rồ muốn "giải thích/trình bầy/giới thiệu/quảng cáo" cho người tiêu dùng (consumers) bằng ngôn ngữ kỹ thuật (technical terms). Người tiêu dùng ở đây là các nghệ sỹ âm nhạc và thường là nghệ sỹ không quan tâm tới vấn đề kỹ thuật lắm. Bê chắc cũng vậy phải không? Bê sẽ nói:"Cho biết cái máy này làm được gì cho nhạc sỹ đi; cụ thể đi!"
Thôi thì Bê vào hai cái video clips này (phụ chú I) để xem một người nhạc sỹ giới thiệu và chỉ dẫn cách xài loop stattion: KT Tunstall I và  KTTunstall II. Như KT Tunstall nói: "...it's very very simple...the difficult thing is...timing...", tạm dịch: "...máy rất đơn giản dễ dùng... cái khó là ở chỗ canh thời điểm cho đúng".
Đó! KT nói chứ không phải kỹ sư nào đâu! Cái quan trọng mà KT chỉ ra ngay là chuyện "timing". Đối với nhạc sỹ âm nhạc thì timing là chuyện dễ ợt, đúng không? Và nhạc sỹ nào cũng biết "Practice makes perfect" nên nghệ sỹ mà nói thì nghệ sỹ hiểu ngay. Bê có để ý là cái máy này mặc dầu là một specialized computer nhưng nhà sản xuất không hề đề cập đến chữ "computer", chỉ là "trạm vòng/trạm nhái" (loop station). Nói tới loop là người chơi đàn/ca hát nào cũng hiểu. Dễ tới độ mà Kawehi ngồi trên giường (bài đầu của phụ chú G) mà đặt ngay một bài nhạc khá chất (ngày xưa gọi là chất lượng cao--high quality). 
Nếu Bê bắt đầu thích các video về loop station thì nên coi ANTHEM - By Kawehi (Off of my newest EP, Robot Heart) vì video này vừa hay về âm nhạc mà vừa rất sáng tạo về phần trình bầy khái niệm musical loop bằng chính hình ảnh, âm thanh trong video. Brilliant!
Ngoài ra các phụ chú khác mà Đệ chép ra ở cuối bài thì xin tùy là Bê có nhiều thì giờ hay không. Các video clips này cái nào cũng có cái hay của nó. Tuy nhiên xin nêu lên phụ chú H, với Tom Thum ,vì nó liên quan tới beatboxing (3).
Tóm lại thì với một loop station, một người nhạc sỹ sẽ dễ dàng tạo nên một bài nhạc với nhiều nhạc cụ và nhiều giọng trầm bổng mặc dầu đây là One man band. Người nhạc sỹ s hoàn toàn vừa ý với sản phẩm của mình vì toàn là do mình tạo ra âm thanh/âm nhạc. Trong quá khứ, ban nhạc (nhiều người) hợp rồi tan rất thường xuyên vì các thành viên thường không đồng ý với nhau về nhiều chuyện từ kỹ thuật cho tới cá tính. Bây giờ với loop station, người nghệ sỹ có thể cho ra sản phẩm giống như nhiều người chơi nhạc; nhưng thực tế là chỉ do một người độc lập trong sáng tạo: không còn lệ thuộc vào người khác cũng như không sợ người khác eo sách/đình công như khi chưa có cái loop station.
Thế còn ông, ông làm gì với cái loop station, Bê sẽ hỏi. Đệ á? Đệ chưa có mua! Nếu mua thì đầu tiên là "loop" tiếng guitar đệm "Tưng tứng tưng tứng từng" để cho loop station nó loop cho Đệ hát bản Lệ Đá: "Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời..."  trong khi loop stattion chơi  "Tưng tứng tưng tứng từng".(4)

Chúc các Bê một cuối tuần nhiều hạnh phúc bên gia đình.
 

Thân,
 

Chú thích:
(*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê ơi, không quá trễ để học cái mới đâu! Học thì luôn luôn không trể nhưng học được hay 

không thì lại là chuyện khác.   
(1) Effects pedal theo wikipedia. Bê đi xem ca nhạc mà thấy ông (hoặc bà), chơi guitar điện, mà đạp lên cái hộp dưới chân, rồi Bê nghe tiếng vang "oa, oa..." thì cái hộp này là effects pedal đó.
(2) Đoạn văn mở đầu rất... chính xác và đúng như cách tả cái máy tính chuyên biệt loop 
station từ một kỹ sư như Đệ. Đây chính là vấn đề nghiêm trọng về sự khiếm khuyết của các kỹ sư. Để kỹ sư sáng chế ra máy móc thì là đúng rồi nhưng để các ông, các bà kỹ sư mà giới thiệu sản phẩm thì thường là thảm hoạ! Steven Jobs đã dạy ngành kỹ sư bài học khó nuốt này nên bây giờ thì kỹ sư đã hiểu được vị trí của mình: không phải là người có thể giải thich/giớ thiệu/quảng cáo sản phẩm dù cho sản phẩm đó là do các kỹ sư sáng tạo và thiết kế. 
(3) Beatboxing theo wikipedia. Dùng giọng người để tạo âm nhạc.
(4) "Tưng tứng tưng tứng từng" mà ngày xưa các Bê cứ nhái là "Thanh Thuý đi lấy chồng".  Ngày đó các Bê rên rỉ thì cứ rên rỉ, Thanh Thuý thì cũng đã lấy chồng lâu rồi! 

Phụ chú: 
https://www.facebook.com/100001866648781/posts/2687263898012472/

A. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

B. BOSS Loop Station Championship 5 Winner - CHERSEA (Chelsea Laing tranh giải và đoạt grand prize)
 C. Vinh (Germany) ― BOSS Loop Station World Championship 3 International Finals 2013 (Khuất Vinh, người Việt và Đức)
D. Phil Stendek - Grand Prize Winner - BOSS Loop Station U.S. National Finals (Phil Stendek tranh giải và đoạt grand prize)
E. Girl-With-Amazing-Voice-and-Looping-Machine (có nhạc Rap từ phút 2'30")
F. Happy by Pharrell Williams (Loop Pedal Cover) - Roz Firth (đơn giản nhưng rất hay)
G. The Way You Make Me Feel (MJ Cover) - Kawehi , ANTHEM - By Kawehi (Off of my newest EP, Robot Heart)
Criminal (Cover by Kawehi) - Britney Spears. Một video của Kawehi khá hay nhưng không dùng loop station,
H. Beatbox genius Tom Thum at the 2014 Saxton Ultimate Event Experience và  Beatbox Brilliance Tom Thum at TEDxSydney
I. KT Tunstall người Tô Cách Lan nên cũng là dịp Bê nghe tiếng Anh giọng Scottish.