Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Ô Mai... Không Mơ!

Thân chào các Bê(*),

Bài blog Xoài Ngâm Cam Thảo về nhì trong những bài blogs được nhiều người đọc nhất nên hôm nay xin kể cho các Bê chuyện Đệ hoàn thành sứ mạng (fait accompli) mà BB (1) giao phó: làm cho xong mẻ "ô mai... không mơ" để mang về California trong dịp đại gia đình bên ngoại, khắp nơi, đổ về OC (Orange County; Quận Cam). Bên nhà BB toàn là những tay thượng thặng về nấu ăn, nghe quý vị. Sứ mạng này không phải là chuyện chơi, đâu!
Mà mang ô mai về California? Chở củi về rừng? BB chẳng bao giờ làm chuyện nhảm đâu! BB mà bắt Đệ phải làm cái mẻ ô mai này là vì BB đã ăn thử một lần rồi. "Chưa bao giờ ăn được ô mai... ngon thế này," BB nói... Khổ nỗi là khi làm lần trước Đệ không ghi lại cách làm nên quên. Cả tuần nay phải vào bếp... dượt lại cách làm ô mai. Thật đúng là mua cái khổ vào thân!

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Triết Lý

Trước khi chỉ cách làm ô mai không mơ, Đệ... lại xin có đôi lời về cái "triết lý" nấu ăn mà Đệ thấy là đúng... quá! Nấu ăn là nguyên liệu phải mang tính địa phương (local ingredients; đặc sản): dùng những nguyên liệu mà mình có được. Nhưng khổ nỗi là mình sao cứ nhớ tưởng tới những món... "độc" của ngày xa xưa ở quê nhà. Ô mai mơ là cái món ăn vặt mà không người Việt nào không từng ăn qua. Cứ mỗi khi có dịp về California thì lại đến những cửa hàng ô mai, xí muội, bò khô, vân vân. Ngoài chuyện phẩm chất và xuất xứ của ô mai bầy bán ở California mà Đệ xin không bàn tới thì cái mà Đệ tìm là món ô mai trong kỷ niệm, trong dĩ vãng! Hay nói đúng ra là cái ô mai trong óc hoài tưởng của mình. Cái ô mai đó, dù bao nhiêu năm sống ở California rồi sau đó bao nhiêu lần về California, Đệ tìm không ra!!! Ai làm ô mai cũng "không giống ô mai tôi ăn hồi xưa ở Saigon". Ngẫm lại thì không ai có thể tạo ra một sản phẩm chỉ có trong đầu chúng ta! Làm sao có được món ăn, với nguyên liệu địa phương, mà lại tạm mang cái hương vị "ngày xưa cũ"?

Cho đến một ngày, BB mua về mấy bao Dried Cranberries (2) mà chợ Mỹ đều có bán. Trái "Nham Lê" khô chua chua, ngọt ngọt mà chứa nhiều chất bổ cũng như được cho là có khả năng chống oxít hóa (anti-oxydant agent) nên rất thịnh hành trong đồ ăn, thức uống tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, theo truyền thống thì Thanksgivings (lễ Tạ Ơn), người Mỹ thường ăn gà tây và mứt cranberries (phụ chú A). Vậy đâu cần trái mơ (Japanese apricot hay quả mơ "ume" trong tiếng Nhật) vì gừng (ginger), mật ong (honey), cam thảo (licorice) thì địa phương nào cũng có bán. Chỉ "thiếu thợ gặt" (câu này mượn tạm trong Phúc Âm Công Giáo), có nghĩa là cần người sắn tay, lăn vào bếp. Từ đó Ô Mai...Không Mơ ra đời (3).

Nguyên liệu

  1. Gừng: chọn loại non; khoảng 12 oz. 
  2. Cam thảo: khô; khoảng 12 oz.
  3. Mật ong: chỉ khi Bê thích vị mật ong; mật ong có lượng nước trong đó nên có mật ong coi chừng bị lỏng.
  4. Dried cranberries: BB mua của hãng OceanSpray nhưng chắc mỗi chỗ mỗi khác hiệu nào thì tùy địa phương và tùy các chợ.
  5. Arabic Gum: bột nhưa cây Acacia. Đệ mua trực tuyến (online với Amazon) của hãng Frontier. Chưa thử qua Agar nhưng chắc Agar sẽ khó kiểm soát độ cứng hơn.

Chú Ý:

  • Nhiều đường, nhiều mật ong thì sẽ rất ngọt. Lần này làm không đường nhưng xài mật ong nên hơi bị lỏng. Cranberries đã ngọt sẵn nên không cần đường hoặc mật ong.
  • Xin đừng quá chú trọng vào cân lượng vì nhiều gừng thì cay nhiều; nhiều cam thảo thì đắng nhiều. Bê phải làm vài lần mới biết khẩu vị của mình hoặc gia đình là bao nhiêu gừng bao nhiêu cam thảo.

Sửa Soạn:

A. Arabic Gum thì Đệ trộn sống với bột bắp (corn starch); tỷ lệ 1:1. Sau đó đổ hỗn hợp bột vào nước lạnh trong nồi nhỏ. Chỉ dùng vừa lượng nước thôi nghe. Nhiều quá thì lỏng mà it quá thì lại không đủ nước cho bột và gum nở khi đun sôi sau này. Đổ bột từ từ vào nước; quấy liền tay để hòa tan bột và tránh vón cục. Cuối cùng thì có thể dùng một cái vợt/lược để lược bỏ những lợn cợn trong hỗn hợp gum+bột.




B. Gừng rửa sạch để ráo nước và xay trong máy xay (máy xay tỏi, chẳng hạn). Vắt gừng cho ráo nước nếu muốn bớt cay. Nếu không vắt, để giữ vị cay/thơm của gừng thì bớt nước chỗ khác, nghe. Sấy khô nhưng đừng quá khô.

Gừng tươi xay và sấy


C. Cam thảo rửa sạch đun sôi trong nước. Khi sôi rồi thì lấy cam thảo ra và để ráo nước. Xay trong máy xay như gừng. Nước cam thảo thì đổ đi hoặc dùng làm nước nếu thích. Nhớ là nhiều nước thì khó vo viên sau này. Vì cam thảo có tính chống nấm mốc nên cần cam thảo trong món này cho hai chuyện: mùi vị và tính bảo quản.
Cam thảo xay và sấy.

 Ráp tuồng

 1. Hỗn hợp Gum và bột bắp đã sẵn sàng trong nồi. Kiếm cái nồi to to một tí vì còn phải chứa cranberries. Bỏ nồi lên bếp đun; nhớ khuấy liền tay và canh lửa cho đừng "khê".  Đến khi hỗn hợp nở đều thì đổ cranberrries vào (không có hình vì tay khuấy, tay canh lửa thì tay đâu mà chụp hình, Bê?)
2.  Nhớ đảo đều (dùng cái "rice spatula" của nồi cơm điện) và tắt lửa khi nồi bắt đầu sôi lại.
3. Lấy khoảng 1/3 gừng và 1/3 cam thảo cho vào nồi, trộn đều. Phân lượng ở đây là tùy Bê thích nhiều gừng/cam thảo bên trong quả ô mai hay không. Gừng và cam thảo trong ô mai sẽ mềm hơn gừng và cam thảo bọc ngoài.
4. Thấy có vẻ được (chín và nhìn "sền sệt") thì đổ ra khay để nguội. Muốn mau khô thì trải mỏng thôi.


Mẻ làm thử cho BB duyệt. Sáng ra trước khi đi làm BB để lại mấy câu... khen thưởng.
5. Cam thảo và gừng xay sấy còn lại thì trộn chung với nhau.
6. Khi ô mai đã nguội và khô mặt thì dùng muỗng nhỏ chia ra từng miếng nhỏ rồi lăn vào gừng cam thảo ở số 5 ở trên. Viên ô mai không mơ (hình dưới bên phải) muốn tròn thì lăn và lắc khay nhiều. Thật ra không cần tròn và "y chang" như nhau đâu. Đệ tính đặt tên cho từng viên vì thấy chúng có cá tính và hình thù khác nhau; nhưng vì lười quá... nên thôi!

Ô mai không mơ: không hột, chua chua, ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm!

Để kết bài này, thì phải nói là Đệ đã học được nhiều điều trong những ngày làm ô mai không mơ này. Gia đình cũng hăng say và bận rộn giúp đỡ, nếm thử, và góp ý kiến cho Đệ nên kể cũng là một dịp cho gia đình tránh những sinh hoạt nhàm chán hằng ngày. À nếu Bê có làm được ô mai không mơ này thì sao không biểu diễn ngày Tạ Ơn tháng 11 này. Thanksgiving's với gà tây đút lò, cranberries sauce, và thêm ô mai không mơ thì bạn Mỹ sẽ chắc là thán phục lắm.

Chúc Bê một cuối tuần vui vẻ với gia đình trong ngày Father's Day (Lễ Cha).

Thân,

Chú thích:
(*) Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường muốn hoài tưởng về tuổi ô mai, xí muội. Ngày còn đọc Tuổi Xanh rồi Tuổi Hồng, rồi Tuổi Ngọc...
(1) BB là Big Boss của Đệ đó. BB đã giao nhiệm vụ mà chưa làm thì sẽ có ít nhất hai ba kiểu nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến răn đe.
(2) Cranberries hay tiếng Pháp là Canneberges cũng rất lạ ở cách gặt hái: rung cây cho trái (sầu) rụng (rơi) sau đó bơm nước vào đồng thì cranberries nổi trên mặt nước chỉ cần dùng vợt, vớt vào bao.
(3) Nổ chơi vậy thôi chứ cái món ô mai cranberries này không biết ai sáng chế ra. Nên nếu Bê cứ nhất định là "ô mai thì phải có quả mơ", thì Đệ xin bó tay!

Phụ chú:
(A) Cranberries và sức khỏe. Mứt Cranberries được người Mỹ gọi là "Cranberry sauce" nhưng có khi gọi là Cranberry Marmalade.
(B) Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Tản mạn về Internet -- Mạng toàn cầu - Phần I

Thân chào các Bê(*),

Hôm nay Đệ xin đề cập đến một đề tài khá là quan trọng cho người xử dụng mạng toàn cầu (Internet) và mạng xã hội như Facebook (hay ở chốn ấy, còn được gọi là "vào Phây", "lên Phây") đó là khái niệm/kỹ thuật Kéo và Đẩy (Push and Pull technology) và "bánh nướng lò" (Internet cookies). Và cũng như mọi khi, xin nói rất rõ là viết đây là viết chơi để đầu óc khỏi bị "mụ" đi thôi chứ không mang tính khoa bảng (academic) và xin các Bê, nếu được, thì đọc nguyên bản trong phụ chú cuối bài cho chắc ăn. Mà ngay như có đọc nguyên bản thì cũng đừng vội tin...

Dạ, dạ Đệ xin vào đề...

Kéo và Đẩy (Push and Pull) (1)

Nếu sống là bị chi phối bởi định luật hấp dẫn của Newton (Newton's law of universal gravity), thì người dùng mạng toàn cầu (Internet) và mạng xã hội như Facebook bị chi phối bởi luật Kéo và Đẩy của người lập trình mạng (web designer). Gì mà ghê gớm vậy? Bê bắt đầu chú ý rồi chứ gì?

Kéo (pull) là khi tự mình đi tìm tin tức hoặc những chia sẻ từ các trang mạng hoặc trang Phây. Khái niệm này có khi mạng toàn cầu trở nên phổ biến (accessible) với mọi người có phương tiện vào mạng. Muốn biết cái gì thì cứ hỏi ông Gúc gồ (Google), bà Binh (Bing), ông Gia Hu (Yahoo!), hoặc thắc mắc gì thì hỏi Ask.com hoặc About.com, vân vân... Tin tức có sẵn trong mạng chỉ chờ mình "kéo" nó về màn ảnh của mình, muốn lưu trữ thì "tải về" (download) hoặc in ra giấy. Thí dụ như Bê muốn biết thông tin về hưu trí/an sinh xã hội tại Hoa Kỳ thì Bê "kéo" tin tức từ trang mạng http://www.ssa.gov/. Đó là kéo vì nhà mạng có thể là không biết bao nhiêu người vào và trang mạng là không có trí nhớ (stateless web page), trên nguyên tắc. Nhưng các nhà mạng (web site, web server) lấy gì mà sống nếu cứ thụ động chờ Bê vào mạng mà vào đúng cái trang của họ.  Khái niệm Đẩy ra đời đúng như luật âm dương để tạo cơ hội cho các nhà mạng tiếp cận, "đi sâu đi sát" với Bê.

Đẩy (push) là động thái chủ động của người đưa tin (nhà mạng), họ sẽ chủ động "đẩy" tin tức tới Bê. Họ sẽ dẫn dụ Bê bằng cách nào đó để có được địa chỉ điện thư (email address) rồi từ đó họ sẽ gởi điện thư hàng loạt (mass electronic mailing)  qua những "danh sách khách hàng" mà họ gọi là các "distribution lists". Khái niệm "danh sách phân phối" này ra đời từ việc làm trong công sở/hãng xưởng lớn để truyền tải tin tức nội bộ nhưng bây giờ thì khái niệm này đã bị thương mại "chiếm đoạt" (hijacked) vào mục đích quảng bá thông tin thương mại. Thí dụ như Đệ có địa chỉ điện thư của Bê thì thỉnh thoảng Đệ gởi thư đến Bê, nhắc nhở Bê là Đệ có bài blog mới... Vậy thì Đẩy cũng đâu có xấu! Đúng vậy! Nhưng... nếu bị "đẩy" nhiều quá, hoặc ai cũng "đẩy" tới mình thì thật là khổ lụy! Ca sĩ Thủy Tiên gào thét: "Phải làm sao? Bây giờ Em phải làm sao?" (một trong những bài nhạc đến là... buồn cười vì Thủy Tiên hỏi nhưng ai cũng biết câu trả lời, kể cả Thủy Tiên...). Thứ nhất đừng quá dễ dãi cho hoặc đăng địa chỉ điện thư của mình. Thường thì không cưỡng được vì nếu bảo vệ nó quá kỹ thì có nó làm gì? Vậy thì thứ hai: nếu nhận được tin tức "đẩy" mà mình không thích đọc thì mình có thể phân loại (classify/categorize)  nó như là "promotions" (quảng cáo) nếu dùng GMail. Các hãng chủ điện thư khác cũng có cách tương tự. Đối đế thì liệt nó vào lại "rác" (spam emails). Chi tiết phải làm sao thì xin Bê hỏi "mấy nhỏ ở nhà" chứ hỏi Đệ là phải bao Đệ uống cà phê; tốn kém lắm!

Bánh Nướng Lò (Cookies)

Cookie là gì? Bánh nướng lò là một thông tin (message) mà trang chủ/nhà mạng (web site/web server) gởi tới trình duyệt web (web browser) để nhờ web browser như Internet Browser, Firefox, Safari, Chrome, vân vân "giữ" dùm ở dưới dạng hồ sơ (file) trong ổ cứng (local hard drive).
Nói nôm na là sau khi nhà mạng có được tin tức cá nhân của Bê và có khi các sở thích (preferences) như nơi cư ngụ, thích du lịch, yêu hàng hiệu, mua bán trong quá khứ, vân vân... thì nhà mạng gởi ngược về máy tính của Bê để chương trình trình duyệt (browser) ghi giữ các dữ kiện này vào một hồ sơ trong ổ cứng. Thường thì các hồ sơ này ở dạng "clear text" có nghĩa là dạng đọc được vì không mã hoá (not encripted). Ai vào máy tính của Bê thì đều đọc được cookies. Khi Bê vào cùng nhà mạng này lần tới thì browser sẽ gởi đến nhà mạng những thông tin này để nhà mạng tạo ra một trang đã được thiết kế riêng theo sở thích của Bê (customized web page). Một thí dụ là khi Bê vào trang thời tiết thì nếu có cookie trang thời tiết sẽ cho Bê biết thời tiết và nhiệt độ sở tại (local location) thay vì thời tiết của... New York.
Vậy thì Cookies cũng đâu có xấu! Đúng vậy! Nhưng...vi rút (virus, spyware, malware, etc..) cũng đột nhập vào các hồ sơ này để lấy tin tức về Bê. Cookie là một đề tài lớn nên nếu Bê muốn tìm hiểu thêm thì xin đọc thêm phụ chú A. Eo ơi! Lại "Phải làm sao? Bây giờ Em phải làm sao?" Thứ nhất là Bê nên cẩn thận khi chứa thông tin cá nhân trong máy tính và thỉnh thoảng vào browser's settings (Các định đặt của chương trình trình duyệt) để duyệt qua các cookies. Thấy thông tin quá nguy hiểm thì xoá cái cookie đó đi (phụ chú B). Thứ hai là định dặt với browser là không được tạo cookies. Cái này thì rất bất tiện vì các trang mạng cần cookies để tạo những trang linh hoạt (dynamic web page) được thiết kế cho riêng Bê.

Trên đây chỉ là căn bản của Push & Pull và Cookies. Bây giờ khá nhiều người truy cập mạng bằng điện thoại thông minh (smartphone) và tablets nên vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều. Chuyện tự bảo vệ của người tiêu dùng là rất khó khăn! Biết là khó nhưng Bê nên theo dõi các biện pháp phòng chống được đề nghị bởi các chuyên gia có uy tín, xem có thể làm được gì để tự bảo vệ mình. Điểm quan trọng là chuyên gia có uy tín; chứ đừng nghe những "chuyên gia nửa mùa"!!!

Chúc Bê một cuối tuần vui vẻ.

Bảo trọng,

Chú thích:
(*) Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Các Bê thường muốn tiện ích nhưng lại rất nhạy cảm về tin tức cá nhân. Đòi hỏi rứa là hơn... bị nhiều, nghe Bê!
(1) Push là Đẩy và Pull là Kéo nhưng khi dịch qua tiếng Việt thì "Kéo và Đẩy" nghe thuận tai hơn.

Phụ chú:
A. What are Cookies and What Do Cookies Do?
B. Bê cứ vào Google và tìm "How to delete cookies in" hoặc "How to remove cookies in" thì sẽ thấy rất nhiều bài về đề tài này. Xin Bê suy nghĩ cho kỹ trước khi xoá cookie, nghe. Nhiều nhà mạng dứt khoát là đòi hỏi Bê phải để chúng tạo cookies.
C. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài.

Cập Nhật: Ngày 28 Tháng Mười Một 2024
Bài mới 11/28/2024

Giới Thiệu

Cho Mượn Sân - Lời mời: 

Bê nào chưa có trang blog riêng và muốn viết bài thì xin gởi về cho Đệ. Nếu đề tài "không phạm quy" (1) thì Đệ cho mượn trang blog này để đăng bài. Khi nào Bê có trang blog riêng (2) thì Đệ sẽ giúp chuyển bài về nhà mới và chỉ giữ lại đường dẫn (link).

Science and Technology

WebMD

Sức Khỏe: 12 Chiến Lược

Sức Khỏe: 12 Thói Quen

Âm Nhạc

Ẩm Thực

Công Nghệ

Hỏi Đáp

    Hưu Trí

    Phiếm – Tạp Ghi

    Kinh Tế - Tài Chính

    Mạng Toàn Cầu - Internet

    Y Khoa

    Phụ Chú

    (1) "Phạm quy" khi bài bàn về chính trị hoặc tôn giáo. Bê có thể cho một cái "bio" ngăn ngắn về người viết thì rất hay. Bài cần phải ký tên, chẳng hạn như bút hiệu hoặc tên thật (có hay không có chức danh đều được).

    (2) Cách tạo trang blog (với Google blogspot.com như của Đệ; nếu Bê dùng trang blog của hãng khác thì tùy):

    A. Trước hết vào Google Chrome, đọc trang này https://support.google.com/chrome/answer/173424 về cách setup Google Chrome web browser để dịch các trang qua tiếng Việt.

    B. Sau đó vào trang blog getting starting để biết cách tạo blog của mình: https://support.google.com/blogger/answer/1623800?hl=vi (không may là trang này chưa chọn được tiếng Việt ở cuối bài...). Tốt nhất là Bê có một cái gmail điện thư (gmail account) nếu dùng Google's blogspot.com.









    Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

    Thần Tượng và Người Ngưỡng Mộ.

    Thân chào các Bê (*),
    Hôm nay xin chuyển đề tài để nói về người ngưỡng mộ (fan/admirateur) và thần tượng (idol) của họ. Để lan man về đề tài này, Đệ xin thú thật là mình chả mấy khi nghĩ xem mình có thần tượng hóa ai không. Ngưỡng mộ thì có nhưng trở thành "fan cuồng" thì chắc là không!
    Cũng không bất ngờ khi thấy rất nhiều người chọn thần tượng của mình là Steve Jobs, người đứng đầu hãng Apple đến... hai lần trong đời. Sự đóng góp của Jobs cho nước Mỹ (và cả nhân loại) trong lãnh vực công nghệ cao (high tech industries) là không thể bác bỏ dù cho Bê có... không thích con người của Jobs. Ở đây xin nói ngay là chúng ta phải phân biệt giữa ngưỡng mộ một người và bắt chước một người là hai việc (hoàn toàn) khác nhau. Ngưỡng mộ thì đã hẳn là tốt vì có ngưỡng mộ vĩ nhân nào đó thì mình mới có phương hướng để tiến tới trong cuộc đời. Nhưng từ ngưỡng mộ đến bắt chước thì có ít nhất hai loại bắt chước.

    Dạ, dạ Đệ xin vào đề ngay...

    Bắt chước phù phiếm

    Trong lịch sử, việc bắt chước theo kiểu mù quáng/vô nghĩa không phải là không có. Thí dụ như Alexandra of Denmark (4), bị bệnh từ nhỏ nên mang tật ở chân và đi khập khiễn suốt đời. Vì nàng có ảnh hưởng quá lớn với thời trang thời đó nên nhiều phụ nữ quý tộc bắt chước kiểu đi khập khiễn của nàng!!! Bắt chước như vậy thật là vô nghĩa. Thay vì tìm ra những tính nết/cá tính (virtues) hoặc những nét/đặc điểm (traits) mà nàng có để tạo được những thành quả về thời trang để bắt chước (bắt chước kiểu này là rất tốt) thì người ta lại chỉ phù phiếm bắt chước cái vỏ bề ngoài.
    Khá nhiều người mắc phải cái bệnh "cuồng" nên tự cho mình là "fan cuồng" của một thần tượng nào đó rồi hành xử với kiểu dáng của thần tượng. Tiếng hú và cái ngón tay quẹt mũi của thần tượng Lý Tiểu Long là những thí dụ. Gần đây, hiện tượng Steve Jobs và những tính nết của ông đã và đang là đề tài không những là thời thượng (what is in, fashion, at the moment) mà còn là đề tài hàn lâm (academic) để bàn luận xem sự thành công và sự đóng góp của ông ta với nhân loại là từ những "đức tính" hoặc những đặc điểm nào. Bê nào có con/cháu học MBA thì chắc nó biết đến những bài bình luận hàn lâm của Harvard Business Review (phụ chú 3) về một người đã là thay đổi gần như hoàn toàn (great impacts) cho cả bốn công nghệ: Vi tính , Âm nhạc, Điện ảnh, và Điện thoại (7). Nếu so sánh với vĩ nhân Thomas Edison thì Edison chỉ tiên phong trong ba công nghệ: Điện, Điện Ảnh, Âm nhạc.

    Bắt chước Jobs?

    Điều trớ trêu mà người ngưỡng mộ Jobs phải nhìn ra là Jobs luôn là một "maverick", một con ngựa chứng luôn thách đố những gì đã và đang có sẵn. Jobs luôn tìm kiếm những cách, những kiểu mà chưa ai nghĩ ra. Cái hay của Jobs là khi "chớp" được ý kiến của thuộc hạ thì nhanh chóng biến đổi nó thành sáng kiến vĩ đại của mình (12). Jobs không bao giờ bắt chước theo người khác! Jobs ngưỡng mộ Gandhi và treo hình Einstein ngay giữa phòng khách; nhưng Jobs không bắt chước ai (ngoại trừ sau khi bị ép phải từ chức và rời Apple thì sau đó Jobs bắt đầu mang cặp kính tròn giống Gandhi).

    Có tật có tài. 

    Câu này thật là sai bét!
    Phải nói là có tài nên đôi khi có nhiều tật thì mới đúng; chứ có tật có tài hàm ý là hễ có tật là... có tài thì thật là chỉ bảo sai cho lũ trẻ rồi.
    Jobs có nhiều tài năng như niềm tin có thể thay đổi sự vật và sự kiện bằng phương cách mới chưa có người nghĩ ra (tinh thần cách mạng thật sự), sự nhạy bén trong thương trường, sự khát khao đi đến chân thiện mỹ, vân vân. Nhưng tật xấu, thói hư của Jobs thì cũng thật nhiều: khuynh hướng lấy sáng kiến của thuộc hạ làm sáng kiến vĩ dại của chính mình, tàn nhẫn và hà khắc với nhân viên, vân vân...
    Nhà bình luận công nghệ (technology columnist) Robert Cringely nói về Jobs: “Everyone in Steve Jobs’ life went through 3 phases…They were either being seduced, ignored, or scourged, and it all depended upon whether he needed you or not. If he needed you, he was your best friend, and he would seduce you, and then you would work like a dog, and if you weren’t working hard enough, he would scourge you, and ultimately he would throw you away”.
    Nguyên đoạn văn này dịch ra tiếng Việt rất gọn, chính xác và súc tích: "Vắt chanh bỏ vỏ".

    Be the next Steve Jobs

    Theo ý Đệ thì câu này được các bạn trẻ hiểu lầm không ít!
    "Hãy là Steve Jobs kế tiếp" không có nghĩa là hãy bắt chước cái quần bò (blue jeans) và áo thun đen cổ lọ!!! Khi nói tới "the next Jobs" là người ta nói đến người có thể tạo thành tích tương tự với những thành quả của Jobs, trong tương lai. Không nhất thiết là "the next Jobs" có cá tính của Jobs. Và nếu thuyết trình tại Hoa Kỳ thì cũng đừng bắt chước câu "... and one more thing" mà Jobs thường dùng để gây sự chú ý của người nghe khi sắp trình diện một sản phẩm mới. Bắt chước một câu nổi tiếng nhưng đã trở thành sáo ngữ (cliché)  thì rất là không nên trong xã hội mà truyền thông/thông tin mạng đã quá phổ cập. Thí dụ như khi tài tử Hollywood Clint Eastwood nói: "Go ahead, make my day!" khi ông ta và kẻ gian đang chĩa súng vào nhau (trong phim) thì lời thách thức này rất phổ biến; nhưng không tài tử nào lại dại dột lập lại câu đó trong phim của mình. Có bắt chước thì học hỏi tính và đặc điểm tốt của Jobs. Hãy chú trọng vào những đặc điểm đã mang lại thành công cho Jobs chứ không phải cái quần bò!

    Jobs tạo ra sản phẩm làm thay đổi cả một công nghệ, còn người ngưỡng mộ?

    Nếu hơn 300 năm trước Newton nhìn trái táo rơi và triển khai định luật vật lý thì nếu ngày nay, Đệ nhìn nguyên quả sầu riêng rơi thì Đệ có nên huênh hoang là định luật Newton cần thiết phải được bổ xung là sầu riêng rơi xuống còn bị ảnh hưởng nặng nề của sức cản không khí với vật hình thù gai góc không? Và Đệ có nên nổ là nhờ có Đệ nhìn trái sầu riêng rơi nên bổ túc cho luật Newton được hoàn chỉnh hơn, không? Dĩ nhiên là tuyên bố như vậy với trẻ em thì có vẻ khôn ranh; nhưng nếu bắt chước Jobs mà "sáng tạo" ra một cái điện thoại thông minh (smartphone) khá giống với cái mà người quá cố đã tạo ra thì thật là bắt chước một cách thô thiển. Sao không khiêm nhường mà nói là tôi dựa vào những gì người khác đã tạo ra và bổ sung thêm cho hợp với một môi trường như Việt Nam. Elvis Presley lắc hông (hip swivel) và Michael Jackson đi bước ảo (moonwalk) đã dược bao người bắt chước chỉ để cho vui và cũng có khi để làm ra tiền. Nhưng có lẽ không ai nói là mình làm hay hơn hoặc bằng người sáng tạo (vì người sáng tạo giỏi ở chỗ đã sáng tạo).  Thí dụ là hiện nay rất nhiều họa sĩ có thể vẽ lại tranh của Picasso, Monet, Renoir, Van Gogh, vân vân nhưng họ có huênh hoang là họ có khả năng sáng tạo như những họa sĩ nguyên thủy này không? Dĩ nhiên là không. Họ chỉ là con buôn nghệ thuật chứ không phải là nghệ sĩ chân chính (14).

    Không phải xứ nào cũng sản sinh được con người như Steve Jobs.

    Trong video của Fox Business (phụ chú 6) và cũng trong phim tài liệu, nhà bình luận công nghệ, Walt Mossberg, nói về Jobs như một người nhìn xa trông rộng (visionary) và người đã thành công trong nhiều (hơn 6 lần) cuộc "cách mạng" kỹ thuật (technology game changes) mà đối với người khác thì chỉ thành công trong thương trường một lần trong đời là đã quá đủ. Mossberg cho là "hiện tượng" Jobs chỉ có thể xảy ra ở Hoa Kỳ. Ở đây xin phép cho Đệ "ăn theo" Mossberg mà "tán" thêm rằng: đúng vậy, chỉ có ở một nước tự do, nhiều cơ hội, trọng sự sáng tạo, với truyền thống khai phá, và với tinh thần chấp nhận rủi ro cao như nước Mỹ, Steve Jobs mới có những cơ hội như vậy. Anh, Pháp, Đức, Nga, Đại hàn, Nhật bản cũng không thiếu người tài nhưng những xã hội này chắc không dung thứ cho một "enfant terrible" như Jobs. Hơn nữa xã hội Hoa Kỳ lại trọng chủ nghĩa cá nhân và có phần lý tài nên nhiều người (đóng góp cho sản phẩm của Apple), mặc dầu không bằng lòng với tính tình phi nhân bản của Jobs, họ vẫn ở lại Apple để hưởng phú quý.

    Để kết bài này, Đệ xin nói về những phụ chú: mấy hôm nay, Đệ bỏ khá nhiều thì giờ để đọc lại những bài viết về Jobs. Kể cũng vui là nhớ lại những ngày học MBA phải làm bài khảo cứu/tranh luận về những doanh nhân huyền thoại. Nhưng phải đọc về Jobs một lần nữa, mấy ngày nay, quả là một gánh nặng tinh thần. Và coi đi coi lại hai cuốn phim về Jobs là một cố gắng đáng kể ở tuổi Bê 60.  Có nhiều phụ chú rất đáng đọc nhưng nếu Bê không có thì giờ nhiều thì thật ra đọc phụ chú 7 với phần chuyển tự (transcript) là đủ. Thêm nữa thì đọc phụ chú 13, rồi nếu còn sức thì coi video số 6, nếu muốn thì xem thêm... (cho tới khi chán đọc về Steve Jobs thì... đi ngủ; đừng nghĩ ngợi gì nữa!).

    Chúc Bê một cuối tuần vui vẻ.

    Thân,

    Chú thích:
    (*) Bê là Bê 60: Từ chữ tắt B60 (Beyond 60 years young) để chỉ các bác trên 60 tuổi trẻ. Bê 60 rồi thì chắc có thần tượng trong lãnh vực tâm linh hoặc âm nhạc chứ không mấy ai còn có  thần tượng công nghệ hoặc thương mại.
    A. Chưa kể đến thái độ nhẫn tâm với người tình mang thai đứa con gái thời còn trẻ. Lỗi lầm tuổi trẻ thì chắc ai cũng có. Sau này Lisa, tên đứa con gái, có về ở chung với Jobs và bây giờ là nhà văn (writer) sau khi học tại Harvard.
    Chrisann Brennan, Steve Jobs' High School Girlfriend, To Write Memoir About Their Relationship

    Phụ chú:
    1. The Story of Steve Jobs: An Inspiration or a Cautionary Tale?
    2. Who were Steve Jobs' heroes?
    3. Harvard Business Review:
        Idolize Bill Gates, Not Steve Jobs 
        The Real Leadership Lessons of Steve Jobs
    4. Alexandra of Denmark.
    5. The Steve Jobs I Knew by Walt Mossberg.
    6. Walt Mossberg Reflects on Life and Career of Steve Jobs for Fox Business (Video)

    7. Documentary movie.  
         PBS documentary: Steve Jobs One Last Thing (2011 Documentary) Transcript Steve Jobs
         Documentary Sheds Light On Visionary’s Life 
    8. Movie: Jobs (2013)
    9. Seduction, power, and mastery: 3 lessons from history's greatest minds
    10. Steve Jobs 'regretted trying to beat cancer with alternative medicine for so long'
    11. Make the Perfect Presentation: 5 Lessons From Steve Jobs's Innovative Use of Imagery
    12. Times of India: Earn everyone's respect.
    13. What Everyone Is Too Polite to Say About Steve Jobs
    14. Mười một bức danh họa dỏm.
    15. Blogs Đã Viết--Theo Đề Tài